Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh đang nhân rộng mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Năm 2022 và những năm tiếp theo của nhiệm kì 2021-2026, Hội phấn đấu mỗi năm có thêm 1.000 hội viên phụ nữ tham gia mô hình.
Theo bà Trịnh Thị Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, đơn vị xác định công tác vận động hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là việc làm thiết thực, hiệu quả và ý nghĩa. Tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già. Đây là mô hình đã tạo sự lan tỏa, đồng thuận trong hội viên phụ nữ các cấp hội thời gian qua.
Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Trà Vinh ra đời năm 2020, đến nay đã được triển khai và nhân rộng với 40 Tổ tiết kiệm, 688 thành viên là hội viên phụ nữ, tại 9/9 huyện, thị và thành phố.Cùng với việc vận động hội viên tham gia mô hình, năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng vận động được 1.583 người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Để hội viên phụ nữ được tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội và hiểu rõ lợi ích khi tham gia, thời gian tới Hội Liên Hiệp phụ nữ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường tổ chức tuyên truyền đến phụ nữ tại các ấp, khóm, khu dân cư. Đồng thời, Hội cũng chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi hội để hội viên phụ nữ cập nhật thông tin về các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chi hội phụ nữ ấp Đồng Khoen, xã Phong phú, huyện Cầu Kè có 65 thành viên. Năm 2020, nhận thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bà Huỳnh Thị Lệ, Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ ấp Đồng Khoen mạnh dạn tiên phong tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và vận động hội viên, người dân trong ấp tham gia. Câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm mua Bảo hiểm xã hội tự nguyện” của ấp Đồng Khoen ra đời tháng 7/2020. Định kỳ tại các cuộc họp, Chi hội phối hợp với Tổ công tác Bảo hiểm xã hội huyện Cầu Kè tổ chức tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, quyền lợi của người tham gia cho hội viên phụ nữ. Những hội viên đồng ý tham gia mô hình sẽ được nhận một chú heo nhựa để bỏ tiền tiết kiệm.
Bà Lệ chia sẻ, lúc đầu việc vận động chị em tham gia mô hình cũng gặp nhiều khó khăn, bởi thu nhập ở nông thôn khá thấp. Tuy nhiên, sau khi được giải thích cặn kẽ về quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và cách thực hành tiết kiệm, mỗi ngày chỉ cần bỏ ống heo 10.000 đồng trích từ tiền đi chợ, hoặc tiền bán trái cây, rau màu… là có thể tham gia mô hình. Đến nay, Chi hội đã có 15 hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài ra, Chi hội cũng vận động được 65 người dân trên địa bàn ấp tham gia mô hình.
Chị Trần Thị Na, 44 tuổi, hội viên Chi hội phụ nữ ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè hành nghề bán vé số dạo. Tuy thu nhập ít ỏi nhưng khi được Chi hội Liên hiệp phụ nữ ấp Đồng Khoen vận động tham gia mô hình nuôi heo đất tiết kiệm để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị Na đăng kí ngay, với suy nghĩ lúc về già, khi không còn khả năng lao động, hằng tháng vẫn được nhận lương hưu để trang trải cuộc sống, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không phải phụ thuộc quá nhiều vào con cháu. Mỗi ngày, chị Na chi tiêu tiết kiệm 10.000 đồng để bỏ vào ống heo, đến cuối tháng khui heo đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với số tiền 297.000 đồng. Thói quen tiết kiệm này đã được chị Na duy trì đều đặn gần 3 năm nay.
Không chỉ những hội viên trẻ tham gia mô hình, nhiều hội viên trên 60 tuổi vẫn hăng hái tham gia cũng với suy nghĩ giảm một phần gánh nặng cho con cháu khi về già. Đối với những trường hợp lớn tuổi, sau khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 5 năm, khi mất, Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả tiền tuất một lần và mai táng phí với tổng số tiền gần 30 triệu đồng (tính theo mức thu nhập lựa chọn đóng bảo hiểm thấp nhất và mức lương cơ sở hiện nay).
Gia đình bà Thạch Thị Sưa, ấp Đồng Khoen có nguồn thu nhập chủ yếu từ 0,4 ha đất trồng rau màu. Tuy cả 2 vợ chồng đều trên 60 tuổi nhưng mới đây đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, với suy nghĩ sau này khi về với tổ tiên, con cái sẽ có tiền lo chi phí mai táng.
Tuy nhiên hiện nay, việc vận động hội viên và người dân tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn, do năm 2022, mức thu nhập lựa chọn để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở nông thôn theo chuẩn nghèo đã tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng; đồng nghĩa với việc mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất hiện nay đã tăng hơn gấp đôi so với trước kia.
Ông Phạm Hoàng Thái, cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Cầu Kè cho biết, mức đóng tăng khiến việc vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp khó khăn hơn những năm trước. Trước đó, mức đóng thấp nhất là 138.600 đồng/người/tháng nhưng hiện nay là 297.000 đồng. Tuy nhiên, mức đóng cao thì quyền lợi thụ hưởng của người dân sau này cũng tăng cao, số tiền lương hưu được nhận sau đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tăng hơn gấp đôi so với trước kia.
Hiện người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng hằng tháng. Riêng người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% và hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% mức đóng.
Thanh Hòa