Từ một huyện khó khăn thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, sau những năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Phước Long hôm nay đã thực sự chuyển mình với nhiều mô hình sản xuất kiểu mẫu, mang tính bền vững, từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu.
Đời sống mới trên nông thôn mới
Di chuyển trên Quốc lộ 1A hướng Bạc Liêu - Cà Mau, qua khỏi cầu số 2, rẽ phải qua cổng chào huyện Phước Long, cảm giác như lạc vào một miền quê khác so với phần còn lại của tỉnh Bạc Liêu. Trục đường Vĩnh Thanh - Phước Long đã được nâng cấp, mở rộng gấp đôi với những ngôi nhà khang trang, ngăn nắp hai bên đường. Là miền quê kiểu mẫu, luôn đi đầu trong xây dựng NTM rồi NTM nâng cao, Phước Long giờ đây trở thành địa phương đứng thứ 3 về phát triển kinh tế (sau thành phố Bạc Liêu và thị xã Giá Rai).
Ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) huyện Phước Long cho biết: nhờ triển khai hiệu quả đề án “Đẩy mạnh xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tiến tới công nhận xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020” và đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Phước Long đang từng bước trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bạc Liêu. Kinh tế huyện luôn tăng trưởng khá, từ 8,25% năm 2018 lên 11% năm 2019; thu nhập bình quân đạt gần 59 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,51% với 154 hộ...
Người dân ở xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) phấn khởi được mùa tôm càng xanh. Ảnh: Phan Thanh Cường
Đến với Phước Long, không khó để thấy những xã, ấp NTM và NTM kiểu mẫu, những mô hình tiêu biểu, đang từng bước lan tỏa ra cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn huyện hiện có 4/7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã chuẩn bị được công nhận và 67/67 ấp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong năm 2020, Phước Long phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,35%, hộ cận nghèo dưới 1%, 3/7 xã còn lại đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ông Lê Văn Tần, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Phước Long cho chúng tôi biết thêm: xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Huyện sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân có nhiều nguồn thu nhập từ chính ao nuôi, thửa ruộng, mảnh vườn, trang trại, cơ sở kinh doanh của chính mình.
Phát triển mạnh mô hình sản xuất kiểu mẫu, bền vững
Theo ông Lê Văn Tần, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, ngay từ những năm 2015 - 2017, Phước Long đã triển khai thí điểm mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Thành công của mô hình đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, tạo vùng nguyên liệu tôm sinh thái rộng lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và mở ra hướng đi mới cho nông dân phát triển sản xuất thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi dê tận dụng nguồn thức ăn từ những loại cây, cỏ có sẵn ở xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long (Bạc Liêu) tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Phan Thanh Cường
Khai thác thế mạnh của địa phương, Phước Long khuyến khích nông dân nhân rộng 18 mô hình sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như các mô hình: tôm - lúa, tôm sú - lúa - tôm càng xanh, tôm sú - cua - cá, sản xuất rau cải, trồng rau cần đước trong nhà lưới, trồng ngô (bắp), nuôi le le, cá sấu… Phước Long hôm nay không chỉ có tỷ phú cá sấu mà còn có cả tỷ phú le le, tỷ phú từ mô hình tôm - cua - cá kết hợp sản xuất lúa chất lượng cao… “Năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện Phước Long phấn đấu để trở thành miền quê đáng sống. Đó là một miền quê không có hộ nghèo, ai cũng có công ăn việc làm, có thu nhập cao và ổn định. Một miền quê thực sự thay da đổi thịt, đi lên khá giả” - ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phước Long chia sẻ.
Phát triển kinh tế gắn với đa dạng hóa mô hình sản xuất vùng chuyển đổi, chú trọng nâng cao đời sống của người dân, Phước Long đang cùng với thành phố Bạc Liêu, thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) và phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai) tạo thành tứ giác kinh tế, động lực phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu.
Tấn Đạt - Anh Dũng - Phan Thanh Cường