Phú Yên hành động tích cực để duy trì vùng nuôi trồng thủy sản an toàn, sạch rác

Nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng đầm, vịnh tại Phú Yên đem lại sinh kế lâu bền, thu nhập cao cho người dân những năm qua. Để bảo vệ và phát triển nguồn sinh kế này, nhiều giải pháp về giảm thiểu rác thải từ nuôi trồng thủy sản được chính quyền, người dân thực hiện, hướng đến một môi trường vùng nuôi an toàn.

vna_potal_phu_yen_giam_thieu_rac_thai_cho_moi_truong_nuoi_trong_thuy_san__7733858.jpg
Người nuôi tôm ở khu vực vịnh Xuân Đài (Phú Yên) thu gom rác thải tại lồng bè nuôi. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

* Thay đổi nhận thức người dân

Vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (thuộc thị xã Sông Cầu và một phần huyện Tuy An) hiện có gần 4.000 hộ dân nuôi trồng thủy sản với tổng cộng hơn 140.000 lồng bè nuôi. Số lượng lồng bè gấp 3,8 lần so với quy hoạch, dẫn đến nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước. Trong tháng 5 và 6/2024, tại vùng nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu đã xảy ra 2 vụ tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt, tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân chính được cơ quan chức năng xác định là do ô nhiễm môi trường nước.

Anh Võ Nhật Nam (hộ dân nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu) cho hay, khi biết được nguyên nhân chính của tôm cá chết là do ô nhiễm nguồn nước, anh đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh tại khu vực lồng bè của mình. Anh cho tôm ăn với lượng thức ăn vừa đủ, thường xuyên thu gom rác thải để tập kết, đem vào bờ tiêu hủy. Điều làm anh trăn trở nhất hiện nay là còn nhiều hộ nuôi chưa thực hiện việc thu gom rác thải từ lồng bè. Một số trường hợp thu gom rác thải tại lồng bè của mình nhưng lại đem đổ lại trên biển ở khu vực khác.

Từ nhiều năm nay, các chiến sỹ biên phòng cùng một số đoàn thể và người dân thường xuyên tổ chức các đợt ra quân thu gom, dọn dẹp rác thải tại khu vực ven bờ đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, lượng rác thải lại ứ đọng, dồn về gây ô nhiễm môi trường nước. Trong đó chủ yếu là rác thải nhựa khó phân hủy như: bao nylon, can nhựa, thùng xốp, ngư lưới cụ hư hỏng…

Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Đồn Biên phòng Xuân Hòa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên) chia sẻ, khu vực ven bờ thuộc vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông có lượng rác thải trôi dạt vào rất lớn, hầu hết từ hoạt động nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều người dân thiếu ý thức cũng xả ra môi trường các loại rác thải sinh hoạt. Do vậy, bên cạnh việc ra quân thu gom và xử lý rác thải, đơn vị tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân để bảo vệ môi trường biển.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, hiện nay, mỗi hộ nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Phú Yên phát sinh từ 3 - 5kg chất thải/ngày. Như vậy, tại hai vùng nuôi trồng thủy sản này, gần 4.000 hộ nuôi sẽ phát sinh từ 12 - 20 tấn chất thải/ngày. Những con số trên cho thấy, nếu không có giải pháp quyết liệt và bền vững, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ còn tiếp diễn.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hạnh Tiên (Khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Phenikaa) chia sẻ, hoạt động nuôi trồng thủy sản có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước do thải ra các loại chất thải rắn không tái chế được. Vì vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có hệ thu thu gom, xử lý các loại rác thải này.

“Nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, hóa chất trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản cũng cần có những khuyến cáo để người dân không vứt bỏ chai lọ, bao bì ra môi trường tự nhiên. Người dân cần có trách nhiệm với rác thải do mình xả thải ra bằng việc đồng thuận thực hiện các giải pháp thu gom của cơ quan chức năng”, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hạnh Tiên nói.

vna_potal_phu_yen_giam_mat_do_de_kiem_soat_vung_nuoi_trong_thuy_san_7526125.jpg
Nuôi trồng thủy sản tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Ảnh: TTXVN phát

* Chính quyền và người dân cùng vào cuộc

Mới đây, UBND thị xã Sông Cầu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai phương án thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Phương án thực hiện tại 7 xã, phường với 100% hộ dân nuôi trồng thủy sản tham gia. Người dân đem tất cả rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển vào bờ để xử lý. Cơ quan chức năng cũng đã xây dựng 54 điểm tập kết rác thải tại những khu vực ven biển để người dân bỏ rác và sau đó có công nhân môi trường đến thu gom.

Ông Nguyễn Xuân Đào (người nuôi tôm hùm tại xã Xuân Phú, thị xã Sông Cầu) chia sẻ, hầu hết người dân nhất trí cao với phương án thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản về bờ để xử lý. Đây là giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường biển. Người dân phải cùng thực hiện để không còn tình trạng tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt. Đối với việc thu phí từ hoạt động thu gom rác thải là 40.000 đồng/tháng/hộ nuôi, bản thân ông thấy hợp lý vì việc đóng kinh phí sẽ giúp hoạt động thu gom được duy trì lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Võ Ngọc Thạch cho biết, triển khai phương án thu gom, xử lý rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, thị xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận cùng thực hiện. Các cơ quan, ban, ngành cũng chú trọng thực hiện phương án giao mặt nước biển cho người dân nuôi trồng thủy sản sử dụng, giúp người dân yên tâm nuôi trồng, đồng thời có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi của mình. Bên cạnh đó, một số đơn vị, doanh nghiệp tăng cường hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đang trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, Phú Yên cũng đang quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sắp xếp và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân để có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ và bảo vệ môi trường từ cộng đồng.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm