Phủ xanh đất đồi kém hiệu quả ở Mường Khương

Phủ xanh đất đồi kém hiệu quả ở Mường Khương

Là huyện thuần nông nằm ở vùng biên giới phía Đông Bắc của tỉnh Lào Cai, Mường Khương không chỉ tạo được vùng nguyên liệu lớn với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: chè, dứa, chuối, quýt, gạo séng cù, ớt,… mà còn chú trọng việc hướng dẫn, giúp đỡ, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao trên các vùng đất xấu, bạc màu.

Phủ xanh đất đồi kém hiệu quả ở Mường Khương ảnh 1Đặc sản quýt Mường Khương. Ảnh: Thành Trung - TTXVN

Nhờ đó, nhiều nông dân ở Mường Khương đã biến vùng đất khô cằn, đồi dốc trở thành vùng cây ăn quả "hái" ra tiền, phủ màu xanh trên đất nông nghiệp kém hiệu quả.

Bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiêu thụ nông sản, những ngày này, nông dân xã Thanh Bình, Mường Khương đang bước vào vụ thu hoạch dưa hấu trong niềm vui được mùa, được giá. Bình quân 1ha dưa thu lãi gần 80 triệu đồng.

Mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha ngô kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với dày công chăm sóc nên diện tích dưa hấu của gia đình chị Tẩn Thị Nga ở thôn Pờ Hồ đến vụ thu hoạch đạt sản lượng cao, ước tính khoảng gần 4 tấn quả.

Giá dưa hấu hiện nay được các thương lái thu mua tại ruộng từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, bán lẻ ra thị trường từ 10.000-15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Nga thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Năm nay, cả vụ dưa hấu được giá, ai trồng dưa cũng đều trúng đậm.

So với cây ngô trước đây thì trồng dưa chỉ tốn một nửa thời gian chăm sóc mà giá trị kinh tế cao gấp 3 lần. Tính đến nay, toàn xã Thanh Bình có khoảng 7ha dưa hấu được trồng tập trung nhiều thôn Pờ Hồ. Đây là địa bàn có diện tích chủ yếu là đất đồi với tỷ lệ dốc cao, nghèo dinh dưỡng do hay bị rửa trôi vào mỗi mùa mưa lũ.

Những đặc điểm này gây bất lợi cho người canh tác cây nông nghiệp, công nghiệp. Nếu không nghiên cứu và lựa chọn đúng loại cây thích hợp thì cây trồng sẽ kém phát triển, không cho thu hoạch và phải bỏ đất trống, vô cùng lãng phí.

Nhận thấy thổ nhưỡng hợp với canh tác dưa hấu do loại cây này thích hợp nhất với đất cát thoát nước dễ dàng, năm 2010, bà con Thanh Bình đưa giống dưa miền nam vào trồng. Từ khi đưa vào trồng thử, quả to nhất luôn đạt từ 6 - 7 kg, nhiều nước, ngọt.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa cho biết, dưa hấu không phải là cây trồng chủ lực nhưng từ khi trồng ở Thanh Bình luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng, giá dưa được thu mua cao nên người dân càng thêm phấn khởi. Chỉ trong từ 2 - 3 tháng trồng và chăm sóc có thể thu về trên dưới 100 triệu/ha.

Hiện nay, sau nhiều năm vừa thử nghiệm vừa rút kinh nghiệm, nhận thấy cây dưa hấu cho thu nhập cao, cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con phát triển mở rộng diện tích. Dưa hấu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập.

Nông dân xã Nậm Chảy, Mường Khương mùa vụ này cũng rất phấn khởi khi bí đỏ thời điểm vừa cho thu hoạch không chỉ được mùa mà còn được giá. Đây là giống bí ngô có nguồn gốc từ Đài Loan được đưa vào trồng tại địa phương từ năm 2014. Cây có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ trồng, ít sâu bệnh, quả bí có trọng lượng từ 1,2 -1,5 kg, giá bán cao hơn bí ngô địa phương.

Gia đình anh Vàng Seo Sử, thôn Sấn Pản trồng 0,5 bí đỏ, được sự hỗ trợ chính quyền địa phương về giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc nên diện tích bí đỏ của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, quả to, mẫu mã đẹp.

Anh Sử cho biết, với giá bán tại vườn 3.000 đồng/kg, gia đình anh thu được khoảng từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Trồng bí đỏ cũng không đòi hỏi công chăm sóc nhiều, cần mạnh dạn đầu tư phân bón là có được ruộng bí năng suất cao, mẫu mã quả đẹp bán ra được giá tốt nhất, mang lại lợi nhuận nhiều hơn - anh Sử cho biết.

Đường giao thông để thông thương hàng hóa khá thuận lợi, do đó các tư thương trong và ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua sản phẩm bí của bà con. Các tư thương nhận xét, bí đỏ xã Nậm Chảy được khách hàng ưa thích vì quả to, mẫu mã đẹp, bí dày mình, có vị ngọt đậm.

Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây bí sinh trưởng, phát triển nên trong đợt thu hoạch này, nông dân Nậm Chảy thu từ 4-5 tấn bí đỏ/ha. Với 6 ha, bí đỏ không chỉ góp phần làm tăng thêm thu nhập mà còn giúp người dân Nậm Chảy mạnh dạn hơn trong mở rộng diện tích cây trồng này những năm tiếp theo.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Lê Thanh Hoa cho biết, Thanh Bình và Nậm Chảy vốn là vùng nguyên liệu trồng chuối, quýt, chè nổi tiếng của Mường Khương. Việc đưa thêm các loại cây trồng ngắn ngày như dưa hấu, bí đỏ... vào trồng không chỉ khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của đất, giúp che phủ, chống xói mòn đất mà còn đem lại lợi ích kinh tế cao giúp người dân làm giàu.

Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao" là một trong những bước đột phá trong cả nhiệm kỳ.

Do đó, việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng trên các diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sẽ góp phần giúp huyện nghèo 30a này đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức, phát huy tính tự lực, tự cường của người dân đồng thời hiện thực hóa mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới trung bình từ 6%/năm.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm