Người dân nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ - Ảnh: TTXVN |
Đã hơn 10 ngày sau khi cơn lũ đi qua, những ảnh hưởng nặng nề mà mưa lũ để lại vẫn còn ám ảnh người dân xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Đây là một trong những xã bị thiệt hại nặng nhất của huyện Thanh Sơn với gần 300 ha lúa, ngô, rau màu bị ngập, cây công nghiệp bị gãy đổ; gần 1.200 con gia súc, gia cầm bị chết; 360 ha ao nuôi thủy sản bị tràn; 800m kênh mương, tường rào bị sạt, trôi. Đài Truyền thanh xã bị ngập nước và hư hỏng hoàn toàn…
Ông Đoàn Trọng Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hùng cho biết, xã huy động cán bộ dọn dẹp trụ sở, đồng thời phân công người đến từng khu dân cư phối hợp với các lực lượng như Công an xã, dân quân tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, chính quyền xã hướng dẫn tới từng hộ dân về phương án khắc phục. Huyện Thanh Sơn đã hỗ trợ cho 395 hộ dân trong xã bị ảnh hưởng mưa lũ hơn 11 tấn gạo. Công an huyện hỗ trợ mỗi hộ 1 bình nước sạch. Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm y tế xã xử lý các giếng nước bị ô nhiễm bằng thuốc Cloramin B và phun khử trùng tiêu độc tại các hộ có gia súc, gia cầm chết. Một số tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ các hộ bị thiệt hại với số tiền trên 500 triệu đồng và 600 thùng mỳ tôm.
Nhiều người dân xã Sơn Hùng chia sẻ, toàn bộ cánh đồng bị ngập nước không thể khôi phục, gà vịt, trâu bò bị chết ngổn ngang… Được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ, người dân đã dần lấy lại được tinh thần, yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.
Để tạo điều kiện giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, huyện Thanh Sơn cùng các cơ quan, tổ chức đã hỗ trợ cho các địa phương với gần 35 tấn gạo, 815 bình nước lọc cùng với mỳ tôm, tiền mặt và 200kg Cloramin B để xử lý nguồn nước sinh hoạt. Điển hình như Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Phú Thọ, Hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội doanh nhân Hùng Vương tại Hà Nội đã trao tặng 220 triệu đồng cùng 90 suất quà mỗi suất trị giá 1 triệu đồng ủng hộ bà con bị thiệt hại do hoàn lưu bão số 3.
Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn cho biết, sau khi nước rút, ngành Nông nghiệp đã xuống địa bàn hướng dẫn các xã, thị trấn các cơ quan đơn vị khẩn trương thu gom, xử lý rác thải, quét dọn đường, trường học và các khu vực bị ngập úng. Đồng thời, kiểm tra hiện trạng các công trình giao thông, hồ đập, cầu cống, đánh giá mức độ hư hỏng, đề xuất biện pháp sửa chữa, kịp thời bảo đảm lưu thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ðội y tế dự phòng hướng dẫn nhân dân xử lý vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, không để xảy ra dịch bệnh. Các lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn hỗ trợ dân khắc phục sa bồi thủy phá, các bờ suối, đường giao thông, nội đồng bị sạt lở.
Về sản xuất nông nghiệp, huyện Thanh Sơn trực tiếp hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để giúp người dân khôi phục sản xuất. Đối với những diện tích không thể khắc phục, huyện và chính quyền địa phương hướng dẫn bà con chuyển sang trồng hoa màu và các cây trồng khác phù hợp với thực tế cơ sở. Huyện cũng tiếp tục đánh giá thực tế thiệt hại về con giống, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án hỗ trợ giúp người dân khôi phục chăn nuôi; phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức dọn vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi, khu vực có gia súc, gia cầm bị chết do mưa, lũ, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Ngoài huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, các huyện Tam Nông, Cẩm Khê, Hạ Hòa cũng bị thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra. Hiện các huyện đang tiếp tục khắc phục những khó khăn trước mắt và lâu dài để giúp người dân ổn định cuộc sống.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, đây là trận lũ lịch sử lớn nhất từ năm 1971 đến nay nên trong công tác ứng phó với mưa lũ còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Địa bàn tỉnh có hệ thống sông, ngòi dày đặc, khi có mưa lớn kéo dài, lũ thượng nguồn sẽ lên rất nhanh kết hợp với lưu vực các con sông có độ dốc lớn làm công tác ứng phó gặp nhiều khó khăn. Một số tuyến đê chưa đảm bảo cao trình chống lũ. Công tác tổ chức huy động lực lượng, cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, phòng chống lũ ở một số địa phương còn lúng túng, triển khai chưa đồng bộ, khoa học. Ý thức của người dân chưa tốt, còn chủ quan, không chủ động sơ tán khi nước sông lên cao. Trang thiết bị còn thiếu, có thiết bị khi đưa ra hiện trường không sử dụng được…
Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, rút kinh nghiệm từ thực tế công tác phòng chống mưa lũ trong các năm nói chung và mức độ ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 vừa diễn ra cuối tháng 7 nói riêng, thời gian tới các đơn vị, địa phương cần tập trung rà soát, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để từ đó xây dựng khung phương án ứng phó cụ thể. Công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” cần đặc biệt chú ý. Công tác này phải được chuẩn bị cụ thể từ hộ gia đình đến thôn, xã, huyện. Đồng thời, địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân biết diễn biến và mức độ nguy hiểm của thiên tai, từ đó nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống thiên tai để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Tạ Văn Toàn