Buổi học về giáo dục môi trường vì tương lai xanh của học sinh trường THCS Xuân Đài ( huyện Tân Sơn, Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên – TTXVN |
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cho biết, để đạt mục tiêu trên, Sở đang kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp để phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn, gắn trách nhiệm tới từng bộ phận, cá nhân trong đơn vị, trên từng địa bàn.
Sở đang rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định của trường đạt chuẩn quốc gia đối với từng cấp học. Bên cạnh đó, có kế hoạch tuyển mới hoặc ký hợp đồng, điều động, thuyên chuyển, sắp xếp đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ; phân công hợp lý, đảm bảo tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định.
Sở triển khai đồng bộ các giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, phấn đấu đạt và vượt tiêu chí của trường học đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh giỏi, giảm tối đa học sinh yếu, kém.
Ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia luôn được tỉnh Phú Thọ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời coi đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển sự nghiệp giáo dục, tạo tiền đề, động lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Thời gian tới, tỉnh tập trung mọi nguồn lực phục vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trong đó, tỉnh sẽ tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu tối thiểu về diện tích đất cho mỗi cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quy chế công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở giáo dục chủ động nắm bắt diễn biến học sinh, số lớp trong những năm tiếp theo để tham mưu chính quyền tạo điều kiện về quỹ đất đảm bảo diện tích m2/học sinh các cấp học theo quy định.
Cùng với đó, tỉnh sẽ huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa hệ thống cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của một trường đạt chuẩn quốc gia.
Tỉnh khuyến khích các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm tăng cường nguồn lực cho giáo dục, thực hiện nghiêm quy định của quy chế công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 738/917 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,5%. Trong đó, bậc mầm non, từ nay đến năm 2020 có 226/315 trường (đạt 71,7%) đạt chuẩn quốc gia; cấp tiểu học có 272/298 trường, đạt 91,3%; đối với cấp trung học cơ sở, phổ thông dân tộc nội trú huyện, có 207/259 trường, đạt 80,0%; đối với cấp trung học phổ thông 33/45 trường, đạt 73,3%.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, đến nay, tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Phú Thọ là 669 trường; trong đó, cấp mầm non đạt 196 trường (mức độ 1 là 168 trường, mức độ 2 là 28 trường), cấp Tiểu học đạt 275 trường (mức độ 1 là 234 trường, mức độ 2 là 41 trường). Bậc Trung học cơ sở có 170 trường và bậc Trung học phổ thông có 28 trường. Riêng bậc tiểu học, số trường đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu Kế hoạch và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần XVIII đặt ra, trong đó có 26 trường đạt mức chất lượng tối thiểu.
Nhiều địa phương đã chỉ đạo tích cực và đạt kết quả cao trong triển khai thực hiện xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia như thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Thanh Ba, Thanh Thủy, Tam Nông, Phù Ninh, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập...
Tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư để duy trì, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học còn dàn trải, chưa gắn việc đầu tư ngân sách của địa phương và nguồn lực từ các chương trình mục tiêu khác với nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia…
Một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa sâu sát, tích cực, chủ động trong thực hiện kế hoạch nên chưa hoàn thành mục tiêu kế hoạch duy trì, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Việc tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương của một số cơ sở giáo dục chưa thường xuyên, hiệu quả; vai trò người đứng đầu ở một số cơ sở giáo dục chưa thể hiện rõ…
Một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa thường xuyên nắm bắt sự biến động gia tăng về sỹ số học sinh, số lớp để có kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bảo đảm chuẩn theo quy định. Trên thực tế đã có 10 trường không duy trì được trường chuẩn quốc gia./.
Lâm Tuyến