Phú Lộc tiếp nối mạch nguồn cách mạng

Vịnh Lăng Cô nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Trưởng
Vịnh Lăng Cô nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Trưởng

Những ngày Tháng Tám mùa Thu lịch sử năm 1945, trong khí thế cách mạng sôi sục, người dân huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã xuống đường tuần hành vũ trang, tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng. Thắng lợi ở huyện Phú Lộc đã góp phần làm nên sự thành công của phong trào cách mạng ở thành phố Huế và các huyện còn lại. 75 năm sau, đến Phú Lộc, diện mạo kinh tế - xã hội hoàn toàn đổi thay, đời sống người dân không ngừng được cải thiện…

Phú Lộc tiếp nối mạch nguồn cách mạng ảnh 1Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã - điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Đỗ Trưởng

Lợi thế là điểm nối 2 trung tâm đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, có quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam và vùng ven biển, đầm phá, cảnh quan thiên nhiên…, Phú Lộc có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Là “điểm tựa” phát triển công nghiệp và dịch vụ của tỉnh, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện thu hút được 47 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 79.300 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án đang hoạt động, 14 dự án đang triển khai thực hiện và 11 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Phú Lộc còn có Cảng nước sâu Chân Mây - một trong những cửa ngõ quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây theo quốc lộ 1A và đường 9 nối Việt Nam với các nước trong khu vực.

Phú Lộc tiếp nối mạch nguồn cách mạng ảnh 2Tàu du lịch quốc tế cập cảng Chân Mây đưa du khách đến tham quan các điểm du lịch ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đỗ Trưởng

Phú Lộc còn có những bãi biển đẹp và nổi tiếng như Hàm Rồng, Cảnh Dương, Lăng Cô, Bãi Chuối và vùng đảo Sơn Chà. Đặc biệt, vịnh Lăng Cô với cảnh quan gần như nguyên sơ đã thực sự trở thành điểm nhấn, là một trong những thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Không chỉ là những bãi biển đẹp, Phú Lộc còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng như: Vùng đầm phá Cầu Hai - Lăng Cô rộng hơn 12.000 ha; Vườn quốc gia Bạch Mã rộng hơn 34.000 ha; Di tích lịch sử Hải Vân Quan, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, chùa Thánh Duyên, Đầm Lập An và hệ thống suối thác đồ sộ... Nhờ vậy, Phú Lộc đã trở thành điểm đến của rất nhiều du khách. Tính riêng năm 2019, đã có khoảng 1,2 triệu lượt du khách đến với Phú Lộc, trong đó khách quốc tế hơn 300.000 lượt.

Phú Lộc tiếp nối mạch nguồn cách mạng ảnh 3Vịnh Lăng Cô nhìn từ trên cao. Ảnh: Đỗ Trưởng

Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, Phú Lộc đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng thu nhập bình quân lên 52 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,7%...

Phú Lộc tiếp nối mạch nguồn cách mạng ảnh 4Khu vực đầm phá Cầu Hai đang được huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) tập trung khai thác với mục tiêu trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển. Ảnh: Tường Vy
Phú Lộc tiếp nối mạch nguồn cách mạng ảnh 5

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa trên địa bàn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Tường Vy

Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phú Lộc sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, du lịch; ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất…

Đỗ Trưởng – Tường Vy

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm