Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát đồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: Thanh Tân |
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 9, bệnh khảm lá virus hại sắn đã xuất hiện trên địa bàn 5 huyện với diện tích gần 100 ha. Hiện các cơ quan chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp từ cơ sở đến tỉnh đang khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh khiến nhiều diện tích giống mới trồng buộc phải nhổ bỏ. Khảm lá sắn là bệnh do virus gây ra, có nguy cơ bùng phát mạnh và lây la nhanh và khó phòng trừ. Bệnh lây lan qua hai đường là hom giống lấy từ cây bệnh và môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng chích hút từ cây bệnh truyền sang cây khác. UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương đã xuất hiện bệnh như huyện Phú Thiện, A Yun Pa, Krông Pa, Ia Pa, Chư Pưh khẩn trương đánh giá, xác định mức độ gây hại của bệnh và giai đoạn sinh trưởng của cây sắn để khoanh vùng và tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá virus hại sắn. Đối với diện tích sắn đã nhiễm bệnh, để hạn chế mầm bệnh lây lan, tỉnh Gia Lai đã tổ chức phun trừ môi giới truyền bệnh. Nếu có bọ phấn trên cây sắn thì tiến hành phun thuốc để giệt trừ ngay; phun trên ruộng nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ di chuyển sang gây bệnh. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dinotefuran, Pymetrozine, chú ý phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2-3 ngày để đảm bảo an toàn. Tiến hành nhổ bỏ tiêu hủy diện tích cây sắn bị bệnh khảm virus để tránh lây lan nguồn bệnh. Với diện tích sắn chưa nhiễm bệnh, tiếp tục điều tra, rà soát kỹ để phát hiện bệnh, tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời, triệt để; kiểm soát chặt chẽ nguồn hom giống sắn đưa vào sản xuất, tuyệt đối không được lấy hom giống từ những ruộng sắn đang bị nhiễm bệnh để sản xuất. Đặc biệt nghiêm cấm mua bán, trồng giống sắn HL-S11. Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo nông dân chọn giống trồng kháng bệnh; không trồng giống nhiễm nặng như giống sắn HL-S11, KM 419 mà nên sư dụng thay thế bằng các giống ít nhiễm bệnh như: KM 94, KM 95, KM 98-5, KM 98-1, KM 140. Đơn vị này cũng đã bố trí cán bộ, phói hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện hướng dẫn nông dân cách phát hiện bệnh, kiểm tra thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh, từ đó có biện pháp phòng trừ lây lan.
Phạm Thị Hồng Điệp