Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, tổng vốn kế hoạch năm 2017 từ ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là 15.231 tỷ đồng (vốn đầu tư là 11.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 4.231 tỷ đồng). Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 8.000 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 7.231 tỷ đồng. Qua tổng hợp báo cáo, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao vốn kế hoạch năm 2017 và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Một số địa phương có kết quả giải ngân đạt cao như: Hưng Yên (84,9%), Hà Nam (79,6%), Bến Tre (54,9%)… Tuy nhiên, kết quả giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên phạm vi cả nước đạt thấp, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 13,09% . Kết quả giải ngân nguồn vốn đạt thấp do việc triển khai phân bổ và giao vốn kế hoạch chi tiết năm 2017 tại các địa phương còn chậm, một số địa phương chưa thực hiện công tác giao kế hoạch cho các đơn vị, các cấp trực thuộc. Bên cạnh đó, các quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ từng chương trình được ban hành chậm nên ảnh hưởng đến công tác phân bổ, giao vốn chi tiết và tổ chức thực hiện. Việc áp dụng các quy định quản lý đầu tư công trong thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như việc xác định dự án đủ điều kiện để giao kế hoạch vốn trong năm 2017 còn nhiều lúng túng. Mặc dù, Nghị định 161/2016/NĐ-CP đã tháo gỡ vướng mắc trong tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, song do đến tháng 12/2016, Nghị định mới được ban hành nên tiến độ thực hiện các dự án chậm. Thêm vào đó, hầu hết các dự án đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là dự án nhóm C, quy mô nhỏ nhưng không đáp ứng được một số tiêu chí để được áp dụng cơ chế đặc thù, dẫn tới không lựa chọn áp dụng được cơ chế này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho hay.2.776 xã, 34 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đến hết tháng 7/2017, cả nước có 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 223 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (hoàn thành mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 416 xã so với cuối năm 2016. Còn 179 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 78 xã so với cuối năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017 sẽ còn dưới 150 xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí/xã, giảm 0,24 tiêu chí so với cuối năm 2016. Nguyên nhân là do theo Quyết định 1980/QĐ-TTg về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, số chỉ tiêu của 19 tiêu chí tăng thêm 10 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí cũ, nhiều tiêu chí quan trọng (thu nhập, môi trường, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, an ninh trật tự và quốc phòng…) có yêu cầu cao hơn so với trước đây. Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện có 34 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 huyện so với cuối năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017, sẽ hoàn thành mục tiêu phấn đấu có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, qua hơn 1 năm thực hiện việc lồng ghép các chương trình mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tăng nguồn lực đầu tư theo hướng không dùng phương thức đầu tư hàng năm mà phân bổ nguồn lực theo chu kỳ 5 năm để tạo sự chủ động cho các địa phương đã đi đúng hướng, tạo tiền đề cho 4 năm tiếp theo. Hệ thống khung khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương cơ bản đầy đủ, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện, cũng như có căn cứ để xây dựng, ban hành những cơ chế đặc thù riêng phù hợp hơn với điều kiện thực tế trên địa bàn. Căn bản các địa phương đáp ứng được khung tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Giảm tỷ lệ hộ nghèo Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng kinh phí huy động cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2017 là 4.174 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,9% (giảm 1,33% so với cuối năm 2016), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40%, ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định 1722/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho hay. Cung cấp thêm thông tin về tín dụng cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết qua 7 tháng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho trên 1,32 triệu lượt hộ vay với doanh số 34.651 tỷ đồng, đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng giao. Thảo luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đều cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư công, giảm phiền hà, rà soát lại theo tinh thần phân cấp triệt để cho địa phương, sửa đổi Nghị định 210/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đảm bảo tính khả thi; đồng thời cần có khung khổ pháp lý để huy động nguồn lực của xã hội vào xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Bộ sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30a trên tinh thần những huyện đã đủ điều kiện thoát nghèo phải ra khỏi danh sách huyện nghèo. Đưa ra các tiêu chí để xem xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo, cận nghèo cho đủ 64 huyện.Quan tâm các tiêu chí “mềm” Nhìn nhận về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tiến độ rất chậm. Riêng tháng 7/2017, theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tăng khá nhanh, gấp 2,5 so với tháng 6 và so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cả 7 tháng mới được hơn 30%. Tiến độ giải ngân có tiến bộ nhưng chưa đạt được mục tiêu, nhất là việc phân bổ sử dụng các vốn liên quan đến đầu tư công. “Mở một cửa chính nhưng đóng nhiều cửa phụ, cửa ngách thì không biết đi đường nào. Mở là cho thủ tục rút gọn, nhưng đóng là phải có tổ đội lành nghề. Chỉ 5 tỷ đồng mỗi xã mà phải lên tận Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương đối với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia”, Phó Thủ tướng nói. Ghi nhận các kết quả đạt được trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, song Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ công tác chỉ đạo điều hành chưa phủ khắp toàn quốc. Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần thành lập Hội đồng để đánh giá và xác định huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Nhận định đây là việc nhạy cảm, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề, Phó Thủ tướng nêu quan điểm “Cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn, tránh chuyện theo Nghị quyết lúc đầu có 62 huyện nghèo rồi lại thêm 25 huyện được hưởng tiêu chuẩn hỗ trợ đầu tư như các huyện 30a, sau bao năm làm giảm nghèo bền vững và thực hiện Chương trình mục tiêu 30a thì lại đưa thêm vào nhiều huyện, như vậy không ổn. Có vào có ra, hộ nghèo cũng vậy, phải xóa được nghèo, nguồn lực có hạn ”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại việc phân bổ nguồn lực của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất đưa vào Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải ngân đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành hướng dẫn cụ thể các tiêu chí xác định nợ xây dựng cơ bản trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến đọ giải ngân nguồn vốn được giao. Cho rằng nguồn vốn tín dụng cho xây dựng nông thôn mới vừa qua là hiệu quả, có tiến bộ rất rõ rệt, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu dư địa và các nguồn lực để có thể tăng thêm nguồn tín dụng cho lĩnh vực này. Lõi của vấn đề nông thôn mới là giảm nghèo, không chỉ dừng lại ở thành quả công trình mà là phi công trình, đo bằng giá trị văn hóa, môi trường sống, an ninh trật tự, an toàn xã hội, sinh kế đời sống. Các tiêu chí “mềm” rất quan trọng, phải hết sức quan tâm – Phó Thủ tướng nói./.
Chu Thanh Vân