Phát triển vùng vì cả nước (Bài cuối)

Phát triển vùng vì cả nước (Bài cuối)

Bài 3 (Bài cuối): Tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn

Trong bối cảnh mới, các địa phương trong vùng cần có một chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mang tính hệ thống, có định hướng bao quát, dài hạn trong 10 năm và có thể có những tầm nhìn dài hạn hơn nữa. Trong đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Để nguồn lực trở thành động lực phát triển

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều văn bản, chương trình được ban hành, triển khai chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Những chính sách này tương đối toàn diện và mang tính chất định hướng cho các hoạt động đầu tư hoặc làm cơ sở cho việc ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể.

Phát triển vùng vì cả nước (Bài cuối) ảnh 1Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch xoài để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Những năm gần đây, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo lợi thế từng vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, như: Trồng cây ăn quả tập trung nhiều ở bản Kim Sơn 1, 2, bản Đán; trồng lúa nước ở khu vực bản Chờ Lồng; phát triển trồng mía, chăn nuôi đại gia súc ở Bó Phương, Yên Quỳnh... UBND xã tiếp tục phát triển vùng cây ăn quả theo chủ trương của tỉnh, huyện; mở rộng các loại cây trồng có lợi thế ngoài các loại cây trồng chủ lực của xã; liên kết để hình thành vùng nguyên liệu cung ứng cho Nhà máy chế biến rau quả Doveco; phát triển chăn nuôi đàn gia súc với quy mô phù hợp gắn với trồng cỏ, phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Tham luận tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết, xác định rõ tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời dưới ánh sáng của Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Sơn La quyết tâm triển khai nghiêm túc, quyết liệt để xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp sang phát triển vùng sản xuất hàng hóa rõ nét với quy mô, diện tích ngày càng mở rộng như: Vùng trồng bí xanh thơm tập trung ở các xã Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương với tổng diện tích 123ha. Vùng trồng cây hồng không hạt ở các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Thượng Giáo, Khang Ninh với tổng diện tích hơn 257ha. Cây chè trung du tập trung tại các xã Mỹ Phương, Chu Hương, Đồng Phúc với diện tích hơn 676ha. Cây dong riềng tập trung tại các xã Chu Hương, Yến Dương, Mỹ Phương, Địa Linh với diện tích 131ha. Toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn 265ha; có 318ha đất ruộng, soi bãi, đạt giá trị 100 triệu đồng/ha trở lên...

Phát triển vùng vì cả nước (Bài cuối) ảnh 2Cầu Bến Tượng bắc qua sông Cầu, thành phố Thái Nguyên, mới được xây dựng từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên được các bộ, ban, ngành Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội; là cực tăng trưởng mới của đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên đạt bình quân 10,47%/năm (quy mô GRDP đạt 116 nghìn tỷ đồng vào năm 2020). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,77%/năm, đóng góp quan trọng nhất cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên chủ trương tiếp tục thúc đẩy công nghiệp, coi đây là động lực của mọi sự phát triển. Tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng thêm 9%/năm, tương đương giá trị gia tăng tuyệt đối khoảng 72.000 tỷ đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, phấn đấu đạt 61% vào năm 2025. Hiện tỉnh có 7 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp với các nhóm ngành có tiềm năng, lợi thế như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường...

Có thể thấy, địa phương nào cũng có những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực riêng, nhưng nếu không biết cách khai thác thì nguồn lực mãi chỉ ở dạng tiềm năng. Do đó, cần khai thác tối đa các nguồn lực để có thể biến thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các địa phương trong quá trình phát triển cần chú ý những vấn đề nguyên tắc như: Tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và quy hoạch đồng bộ; tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo đột phá phát triển; đẩy mạnh liên kết phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực; triển khai có hiệu quả các chương trình trọng tâm, trọng điểm.

Thu hẹp dần khoảng cách

Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư.

Nhiều năm qua, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, Kiên Giang phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương, thể hiện được vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer.

Tính đến cuối năm 2021, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Kiên Giang theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn trên 3%, giảm 1,3% so với năm 2020; hộ cận nghèo giảm còn trên 6%, giảm 0,78% so với năm 2020.

Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, xứng đáng với niềm tin của người dân. Đặc biệt, những đóng góp của họ đã góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trở thành vùng đất trù phú và đẹp đẽ, thành trung tâm thương mại lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long có nền văn hóa phong phú, nhân văn, giàu giá trị, đậm bản sắc của nền văn minh sông nước miệt vườn. Đến năm 2021 đã có 61/87 xã và 1/8 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Văn hóa-xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; thực hiện các chính sách an sinh xã hội đi vào chiều sâu; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chỉ còn 2,01%; bộ mặt đô thị và nông thôn nhiều đổi thay, tươi đẹp và văn minh, tạo nên sức sống mới, khí thế mới.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer và có 29 xã, 158 ấp nằm trong danh sách Chương trình 135. Một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số là mô hình thực hiện Dự án "Phát triển chăn nuôi bò sữa", tập trung ở các huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú. Đến nay, đã có gần 9.500 con bò sữa được nông dân ở các địa phương này nuôi với sản lượng sữa bình quân mỗi ngày khoảng 28 tấn. Ngoài ra, còn có 124 nhóm tham gia dự án với gần 3.000 thành viên. Các thành viên, chủ yếu là người dân tộc Khmer, được hỗ trợ vốn vay làm chuồng nuôi, máy cắt cỏ, máy vắt sữa, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều thành viên từ nghèo khó đã vươn lên khá giả.

Phát triển vùng vì cả nước (Bài cuối) ảnh 3 Vườn hoa cúc tại phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí –TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp với mô hình "Hội quán" là một bước đi đột phá trong phong trào xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tổ chức tự nguyện tham gia liên kết của các nông dân để cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ trong canh tác sản xuất, phát triển nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 80 Hội quán với khoảng 4.300 thành viên và 17 hợp tác xã được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện cộng đồng; người dân tham gia Hội quán theo nguyên tắc đồng thuận, với tinh thần "Chung sức xây dựng nông thôn mới". Từ mô hình "Hội quán", tỉnh Đồng Tháp hướng đến giải quyết tốt bài toán "liên kết - hợp tác", hình thành các tổ hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị cho một số loại nông sản chủ lực, tạo động lực mới trong xây dựng và phát triển nông thôn. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên (hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc giảm 3-4%).

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới Trung ương về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 3/2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 702 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 55,94%; bình quân mỗi xã ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,63/19 tiêu chí (cả nước là 15,32/19 tiêu chí). Toàn vùng có 17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra như: thành phố Cần Thơ có 100% xã đạt chuẩn, tỉnh Tiền Giang: 82,05%, tỉnh Bạc Liêu: 73,47%; tỉnh Trà Vinh: 67,06%.

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách ở vùng đồng bào dan tộc thiểu số cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được cải thiện. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2016 đến nay, Chương trình 135 được bố trí nguồn vốn gần 20.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần không nhỏ giúp vùng dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nhiều mô hình sinh kế, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, tích cực góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phát triển vùng vì cả nước (Bài cuối) ảnh 4 Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng tặng quà cho chùa và hộ Khmer nghèo ven biển Vĩnh Châu. Ảnh: TTXVN

Đến nay, trên 99% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có đường cho xe ô tô đến trung tâm xã; bình quân 70% đường ấp, liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Đã có 25.156 hộ được hỗ trợ đất ở, 120.000 hộ được hỗ trợ nhà ở; 9.728 hộ được hỗ trợ đất sản xuất; 73.107 hộ được hỗ trợ giải quyết việc làm; trên 139.000 lao động được đào tạo nghề và trên 204.319 lao động được hỗ trợ tạo việc làm mới; 105.800 hộ được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm, đến nay còn 19,93% (cả nước 22,2%); tỷ lệ hộ có phương tiện nghe nhìn trên 98%, hộ có điện sử dụng là trên 97%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là trên 93,9%.

Như vậy, để tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các vùng và khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong thời gian qua, các địa phương trong vùng phải nhận thức đầy đủ, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn vùng, từng địa phương trong vùng và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng lưu ý: "Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước".

Nguyễn Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm