Hình thành thị trường Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1 triệu trí thức khoa học công nghệ, đang làm việc tại 100 trường đại học, cao đẳng; 218 tổ chức khoa học công nghệ và hơn 100 ngàn doanh nghiệp trên địa bàn.Với lực lượng trí thức khoa học công nghệ đông đảo này, Thành phố có rất nhiều kết quả nghiên cứu ra đời hàng năm. Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2012, việc kết nối chuyển giao công nghệ trên địa bàn khá thấp, gần như không đáng kể.
Chính vì vậy, từ năm 2012, Thành phố Hồ chí Minh đã đưa vào hoạt động thử nghiệm Sàn Giao dịch Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến hoạt động chính thức từ năm 2018). Sàn Giao dịch này có nhiệm vụ là đầu mối chuyển giao công nghệ, tổ chức các hoạt động giao dịch, giới thiệu, tư vấn đầu tư, mua bán, đổi mới công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ.
Ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên tổ chức các Techmart (chợ công nghệ và thiết bị) định kỳ đa ngành, chuyên ngành, cùng với đó là các Techmart online (trực tuyến), Techmart daily (hằng ngày) góp phần đưa sản phẩm công nghệ ra thị trường. Trong đó, Techmart Daily thường xuyên có khoảng 70 đơn vị tham gia, giới thiệu chào bán trên 170 công nghệ và thiết bị. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường khoa học công nghệ của nước ta khoảng 3 năm gần đây mới đi vào hoạt động ổn định, nhất là Chính phủ đã có nhiều chính sách để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường khoa học công nghệ là 1 trong 5 thị trường nổi bật, bên cạnh thị trường bất động sản, tiêu dùng... Điều này chứng tỏ, dù là thị trường mới nổi, nhưng thị trường khoa học công nghệ đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng tham gia các sàn giao dịch chủ yếu là doanh nghiệp (khoảng 80%), các nhà sáng chế, sáng tạo quần chúng (11%), còn lại là viện nghiên cứu, trường đại học. Trong năm 2016, Sàn Giao dịch Công nghệ thành phố đã tiếp nhận 145 yêu cầu về công nghệ và thiết bị; đã xử lý, cung cấp thông tin cho hơn 80 doanh nghiệp có nhu cầu; đi đến ký kết thành công 7 hợp đồng chuyển giao công nghệ, giá trị gần 8 tỷ đồng. Tuy vậy, giai đoạn năm 2012 – 2016, tại các sàn giao dịch mới có khoảng 40 hợp đồng chuyển giao được ký kết với tổng trị giá vỏn vẹn chừng 50 tỷ đồng. Ông Lương Tú Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, những kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng còn rất nhỏ so với tiềm năng và nhu cầu thực tế. Cả một thành phố lớn như vậy mà mỗi năm giá trị chuyển giao chỉ có khoảng 10 tỷ đồng vẫn là quá thấp.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu thông tin tại “Ngày khoa học Đức” tại Thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức vào đầu tháng 3/2017 vừa qua. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN |
"Loay hoay" kết nối Hiện nhu cầu đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp là khá cao, trong khi các sáng chế, phát kiến của các nhà khoa học và người dân tương đối phong phú. Tuy nhiên, từ nhu cầu tới thực tiễn đầu tư vẫn còn khoảng cách xa, chính doanh nghiệp chưa theo kịp xu thế và cũng "loay hoay" để kết nối đổi mới công nghệ. Giai đoạn 2011 – 2015, các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của thành phố có kết quả ứng dụng trực tiếp khoảng 42%, ứng dụng gián tiếp khoảng 36%, gần 20% nghiên cứu thí nghiệm, còn lại không ứng dụng được. Trong khi đó, khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đầu tư cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn thấp, khoảng 30% doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, chưa có chiến lược phát triển hoặc chưa định hướng được phương thức đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Theo ông Trần Anh Tám, Phó Ban nghiên cứu Phát triển (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí): Đơn vị có hội đồng khoa học công nghệ để thực hiện các nghiên cứu phục vụ phát triển, đồng thời đang có hướng mua các công nghệ, kết quả nghiên cứu bên ngoài. Khó khăn hiện nay chính là mối liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp chưa tốt, những nhà cung cấp có ít kinh nghiệm trong việc chào bán các hàng hóa khoa học công nghệ, có ít thông tin về nhu cầu xã hội, trong khi bên có nhu cầu lại ít thông tin về nguồn cung cấp hàng hóa công nghệ. Do vậy, các đề tài và kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ chưa có "đầu ra" triệt để. Bên cạnh đó, sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự bám sát nhu cầu doanh nghiệp, quy mô đề tài nghiên cứu nhỏ và tính phổ biến ứng dụng hạn chế. Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Phó Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần những chuyên gia thực thụ để giúp họ giải quyết những bài toán về công nghệ, phát triển sản phẩm trong doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tìm được đúng chuyên gia theo yêu cầu thực tế của đơn vị mình. Trong năm 2016, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định về Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020. Đây là một trong những chương trình trọng điểm của thành phố với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học và công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng cao năng suất. Theo ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh), trong thời gian tới, thành phố sẽ đầu tư khoa học công nghệ tập trung hơn, ưu tiên cho những hoạt động nghiên cứu trực tiếp giải quyết vấn đề cấp bách của thị trường, xã hội; thúc đẩy phát triển, khuyến khích xây dựng mối liên kết chuỗi giữa khu vực doanh nghiệp và nghiên cứu. Định hướng của thành phố giai đoạn 2016 – 2020, giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ trên thị trường thành phố hằng năm tăng bình quân không dưới 15% và không dưới 20% đối với một số lĩnh vực công nghệ cao được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, nói về thị trường thì phải có hàng hóa, trong đó ngoài công nghệ còn có bên cung, bên cầu và tư vấn trung gian. Muốn phát triển, cần tác động vào tất cả các yếu tố này để mang lại hiệu quả.../.
(Còn tiếp)