Phát triển sản phẩm chế biến từ quả táo Ninh Thuận

Si rô táo được chế biến từ quả táo Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Si rô táo được chế biến từ quả táo Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Để góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, tạo giá trị gia tăng từ quả táo tươi, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất táo theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phát triển sản phẩm chế biến từ quả táo Ninh Thuận ảnh 1Các sản phẩm chế biến từ quả táo Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khô nóng đặc thù, Ninh Thuận là địa phương có điều kiện thích hợp để trồng táo so với cả nước. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 ha táo, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 35.000 tấn quả tươi. Táo là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh; đồng thời được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”.

Ðể tăng hiệu quả kinh tế từ cây táo, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, nghiên cứu cho ra đời các dòng sản phẩm chế biến từ quả táo tươi như: táo sấy, si rô táo, mứt táo, rượu táo, nước ép táo, dấm táo để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Phát triển sản phẩm chế biến từ quả táo Ninh Thuận ảnh 2 Si rô táo được chế biến từ quả táo Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận – Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chia sẻ, những năm qua với mong muốn phát triển thương hiệu táo Ninh Thuận, công ty hợp tác với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản, Viện công nghệ thực phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến quả táo. Đồng thời, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của quốc gia, công ty mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị chưng cất thủy đa năng, máy sấy, máy đóng gói để sản xuất các dòng sản phẩm chế biến từ quả táo và nho.

“Bình quân mỗi năm công ty liên kết thu mua từ các hộ dân khoảng 150 tấn táo, nho cung cấp cho thị trường. Cùng với đó, công ty chế biến khoảng 15 tấn táo sấy dẻo tách hạt và nguyên hạt, ô mai táo và sản xuất khoảng 3.000 lít si rô táo, giấm táo. Được sản xuất từ dây chuyền tiên tiến, các sản phẩm chế biến từ quả táo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và số lượng giúp các sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Hiện các sản phẩm chế biến từ quả táo của công ty đã được đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước”, ông Quang chia sẻ thêm.

Thời gian qua, để nâng cao giá trị kinh tế từ sản phẩm quả táo, tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển các vùng trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, táo hữu cơ. Song song với đó, tỉnh tăng cường phối hợp với các viện, cơ quan nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản quả táo sau thu hoạch, xây dựng dây chuyền sấy nông sản, kho lạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất. Từ đó, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư máy móc, đến nay toàn tỉnh có 2 dây chuyền xử lý bảo quản táo, nho sau thu hoạch, 22 hệ thống sấy hiện đại, có thể đáp ứng sản xuất hàng chục tấn táo và nho tươi mỗi ngày.

Phát triển sản phẩm chế biến từ quả táo Ninh Thuận ảnh 3Khách hàng lựa chọn sản phẩm chế biến từ quả táo tại điểm trưng bày, bán sản phẩm đặc thù của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, việc phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ quả táo không chỉ góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản hiệu quả mà còn tạo thêm tính đa dạng cho danh sách các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người trồng táo.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ quả táo, Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho người trồng táo liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư, sản xuất táo theo chuỗi giá trị ngành hàng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp phối hợp các viện nghiên cứu giống cây trồng đẩy mạnh nghiên cứu các giống táo có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt chuyển giao cho người dân trồng nhân rộng để phục vụ ngành chế biến sản phẩm theo hướng công nghiệp hiện đại.

Năm 2021, địa phương tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu thêm các sản phẩm mới chế biến từ quả táo tươi để đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, để nâng cao uy tín, chất lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm táo Ninh Thuận trên thị trường, ngành chức năng tỉnh tiếp tục triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản xuất cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất táo trên địa bàn tỉnh; đảm bảo việc cấp tem, nhãn chặt chẽ, đúng quy định.

Nhằm góp phần giải quyết sản phẩm đầu ra, Ninh Thuận tăng cường đưa các sản phẩm chế biến từ quả táo vào chuỗi phát triển du lịch, các kênh phân phối hiện đại; hỗ trợ các đơn vị sản xuất và kinh doanh sản phẩm táo trên địa bàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các triển lãm, hội chợ kết nối thị trường.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm táo tích cực nghiên cứu, nâng cao chất lượng hàng hóa hiện có, thiết kế mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại, giá cả sản phẩm hợp lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm