Mô hình bao lưới vườn táo phòng ngừa dịch hại tại thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Gia đình ông Nguyễn Thi (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) trồng 2 sào táo xanh giống Thái Lan. Ông Thi phấn khởi cho biết, vụ này táo được mùa, năng suất cao giá cả lại ổn định nên vườn táo cho thu nhập khá cao. Vừa qua, với 2 sào táo gia đình ông thu được 9 tấn quả, thương lái đến tận vườn thu mua với giá bán bình quân từ 8.000 – 12.000 đồng/kg, bán được trên 80 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi khoảng 70 triệu đồng.
Không chỉ gia đình ông Thi mà nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang lựa chọn cây táo để thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả. Theo các hộ nông dân, chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào táo gồm giống, vật tư nông nghiệp khoảng 25 triệu đồng, sau một năm trồng sẽ cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, thu hoạch từ 2 – 3 vụ/năm, năng suất từ 40 – 50 tấn quả/ha. Với giá bán hiện tại bình quân khoảng 10.000 đồng/kg, mỗi ha táo cho doanh thu từ 400 – 500 triệu đồng.
Vườn táo xanh Ninh Thuận chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, diện tích trồng táo của Ninh Thuận không ngừng được mở rộng, đến nay toàn tỉnh có 1.020 ha táo. Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, các địa phương trên địa bàn tỉnh có nghề trồng táo phát triển như huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đang tập trung mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây táo toàn tỉnh đạt 1.200 ha, sản lượng đạt 54.000 tấn/năm.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, để phát triển nghề trồng táo theo hướng bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, ngành nông nghiệp địa phương hiện đang đẩy mạnh liên kết sản xuất táo theo chuỗi giá trị thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trồng táo; phát triển các vùng trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, táo hữu cơ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kết hợp tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) thu hoạch táo. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN |
Cụ thể, để tạo đột phá về tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tỉnh đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình dùng lưới trùm vườn táo ngăn ngừa dịch hại. Đây là mô hình canh tác mới có nhiều ưu điểm như màn lưới che chắn không cho côn trùng, ruồi vàng xâm nhập đục quả, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, màn lưới giúp cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo, bảo vệ quả bớt bị rám vỏ và sậm màu, hạn chế mưa gió gây rụng quả. Do không lo ngại côn trùng xâm nhập nên thời gian để táo chín lâu hơn, chất lượng quả táo ngon hơn, giá bán cũng cao hơn.
Đặc biệt, nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây táo, ngành nông nghiệp tỉnh hiện đang tập trung chuyển giao nhân giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng giống táo bom TN 05 do địa phương lai tạo. Đây là giống táo mới có nhiều ưu điểm vượt trội như cây có thể phát triển và ra hoa đậu quả tốt trong điều kiện khí hậu khô hạn. Thời gian từ khi trồng đến khi cho thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 10 tháng. Quả táo bom TN 05 to gấp 2 đến 3 lần so với giống táo thường, mẫu mã đẹp, ăn giòn, vị ngọt thanh mát phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Sơ chế, đóng gói táo tại cơ sở sản xuất ở xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN |
Để nâng cao uy tín, chất lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm táo Ninh Thuận trên thị trường, ngành chức năng tỉnh tiếp tục triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất táo trên địa bàn tỉnh; đảm bảo việc cấp tem, nhãn chặt chẽ, đúng quy định. Song song với đó, tỉnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến từ táo như sirô táo, mứt, rượu táo, nước ép táo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tỉnh Ninh Thuận hiện đang tập trung phát triển các mô hình nhà vườn, trang trại trồng táo phục vụ du khách tham quan, hái táo và thưởng thức ngay tại vườn; thông qua đó giúp nông dân có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, tăng nguồn thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây táo.
Nguyễn Thành