Phát triển loại hình ca Huế thính phòng

Phát triển loại hình ca Huế thính phòng
Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm ca Huế thính phòng cho biết: Ca Huế thính phòng là nơi gặp gỡ giữa các nghệ sĩ nhằm trao đổi, bảo tồn những tinh hoa nghệ thuật của nhiều thế hệ nghệ sĩ ca Huế và được biểu diễn thường xuyên vào tối thứ Ba hằng tuần với sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân ca Huế nổi tiếng như: Thanh Hương, Kim Vàng, Lệ Hoa, Quỳnh Hoa…Nhiều người đam mê với bộ môn này dù còn rất trẻ tuổi, sẵn sàng biểu diễn để góp thêm sự phong phú cho các đêm diễn; trong số này có thể kể đến như: Như Quỳnh, Huyền My, Minh Vũ, Ánh Hồng, Ánh Tuyết…
 
Tại Bảo tàng Văn hoá Huế - số 25 Lê Lợi, Huế, không gian biểu diễn ca Huế thính phòng không lớn, nhưng đã có nhiều khán giả đến để cùng lắng nghe các làn điệu: Nam ai, Nam Bình, Long ngâm, cổ bản… như một người bạn tri ân, đồng điệu với miền sông Hương, núi Ngự. Anh Huỳnh Khiêm, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh có cảm nhận: Không sôi động, rộn ràng như nhiều sân khấu biểu diễn âm nhạc hiện đại, ca Huế thính phòng đến với khán giả nhẹ nhàng theo từng cung bậc réo rắt của đàn tranh, đàn tỳ, đàn nhị, đàn nguyệt, sáo trúc, đàn bầu… kèm theo đó là hơn 20 bài bản ca Huế được các nghệ nhân, nghệ sỹ thể hiện bằng chất giọng mượt mà, sâu lắng. Ca Huế chính là "đặc sản" văn hoá phi vật thể của vùng đất Cố đô. "Đặc sản" này đã đem đến cho du khách nhiều cảm giác mới lạ khi họ đến thăm Huế, nơi có hai giá trị di sản: vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi được thành lập, Ca Huế thính phòng là nơi giúp các bậc lão thành có dịp đàn ca phục vụ mọi người. Đồng thời, đây cũng là nơi truyền nghề, đào tạo các giọng ca trẻ, giúp những người trẻ hướng về cội nguồn âm nhạc truyền thống Huế để từ đó gìn giữ và phát huy các giá trị của ông cha xưa để lại. Với các làn điệu nổi tiếng như: Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, Long ngâm, Phú lục, Hành vân, Tương tư khúc… lần lượt vang lên qua các nhạc cụ đặc trưng đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo trúc, ca Huế thính phòng trở thành nét đặc trưng của văn hóa Huế, thu hút du khách thập phương.

Đáng chú ý, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Ca Huế thính phòng đã thu hút đông đảo các du khách du lịch không chỉ trong nước; mà còn thu hút khách du lịch đến từ các nước như Mỹ, Italy, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ,… đến thưởng thức. Theo nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm Ca Huế thính phòng: việc thu hút du khách nước ngoài là điều đáng mừng, góp phần đưa loại hình văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô đến với du khách không có điều kiện, thời gian xem ca Huế trên thuyền.

Tính đến nay, Ca Huế thính phòng đã biểu diễn gần 350 chương trình mang đến những cung bậc cảm xúc sâu lắng cho khán giả và du khách. Quan trọng hơn, các nghệ sĩ đều mong muốn góp phần đưa ca Huế, văn hóa Huế đến với du khách và những người đam mê loại hình nghệ thuật này...
Quốc Việt
TTXVN

Có thể bạn quan tâm