Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 1)

Vải thiều Bắc Giang được phân phối trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart… với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”. Ảnh: Danh Lam – TTXVN
Vải thiều Bắc Giang được phân phối trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart… với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Thời gian qua, Ðảng, Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên để bảo đảm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ. Việc thực hiện chính sách dân tộc là vấn đề chiến lược, sống còn, chìa khóa đi đến thành công. Chính sách dân tộc nhằm nâng cao dân trí, giữ gìn văn hóa, phát triển kinh tế hướng đến xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề: Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bài 1: Khoa học công nghệ là nền tảng

Giai đoạn vừa qua, nhiều chương trình quốc gia hỗ trợ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mang lại hiệu quả, tạo được điểm sáng, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Nhiều chương trình hỗ trợ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh: Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 đã tạo được điểm sáng về ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực cho vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả của chương trình được duy trì và nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, cũng như thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.

Triển khai thực hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025, tại hội nghị sơ kết 5 năm cho thấy, giai đoạn 2016-2020 đã có 400 dự án, trong đó 337 dự án Trung ương quản lý, 63 dự án ủy quyền địa phương quản lý được phê duyệt thực hiện. Các dự án đã xây dựng được hàng nghìn mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển giao thành công hàng nghìn lượt công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phù hợp với từng vùng miền, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025 đã thúc đẩy, tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, doanh nghiệp trở thành hạt nhân giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Đồng thời, Chương trình giai đoạn 2016-2025 cũng đẩy mạnh tăng cường, hỗ trợ, ưu tiên các dự án cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; thúc đẩy dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 1)  ảnh 1Vải thiều Bắc Giang được phân phối trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart… với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 (CTDT/16-20), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khoa học và công nghệ phải là giải pháp, tạo nên làn gió mới trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Chương trình đã thành công với kết quả vượt trội so với chỉ tiêu đề ra, nhiều kết quả của các đề tài nghiên cứu trong Chương trình đã kịp thời được chuyển giao.

Tính đến hết tháng 6/2021, đã có 51 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình được triển khai thực hiện, với tổng kinh phí là 176 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong số đó, thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được ban hành như: Thông tư số 07/2016/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Thông tư số 348/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Chương trình...

Nâng cao hiệu quả hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhằm tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tháng 7 vừa qua, Bộ Khoa học và công nghệ và Ủy ban Dân tộc đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021-2030. Theo đó, hai bên tập trung tham mưu có hiệu quả cho Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ các giải pháp, biện pháp về khoa học và công nghệ để góp phần triển khai tổ chức thực hiện thành công chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, trình độ năng lực về khoa học và công nghệ cho cán bộ làm công tác dân tộc, khoa học và công nghệ trong việc xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về vai trò của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nhất là các tiến bộ khoa học và công nghệ mới, phù hợp với đặc điểm đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ xây dựng chiến lược, chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước.

Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Bài 1)  ảnh 2Hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây thanh long của đồng bào Chăm ở xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ảnh: An Hiếu

Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Dân tộc cũng đang xây dựng, đề xuất tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo đó, ưu tiên bố trí vốn cho vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các xã an toàn khu, xã biên giới thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025, nhằm tăng cường các dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, doanh nghiệp trở thành hạt nhân giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, Chương trình thúc đẩy ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin truyền thông, góp phần thiết thực phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. (Xem tiếp Bài 2: Hình thành nhiều dự án, cây trồng đặc sản địa phương)

HL

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm