Ngày 6/7, tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình” nhằm khai thác tối ưu lợi thế của địa phương và định hướng phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Bình. Tham dự có lãnh đạo tỉnh Quảng Bình; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và các nhà khoa học, chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: Quảng Bình được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn và điểm sáng của du lịch Việt Nam cũng như trên bản đồ du lịch thế giới. Địa phương có những tiềm năng phát triển các sản phẩm về du lịch thám hiểm, khám phá hang động, sinh thái, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng biển…
Du khách đến Quảng Bình ngày càng tăng cao và có nhiều dấu ấn tốt đẹp về mảnh đất và con người nơi đây. Để tiếp tục đa dạng hóa nhiều thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Bình xác định tập trung đầu tư, hướng đến phát triển thêm các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Thời gian qua, thực trạng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng của Quảng Bình được khai thác và phát huy thế mạnh với nhiều loại hình, dịch vụ du lịch, như: trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, trải nghiệm sống trong nhà dân và tham gia sinh hoạt với người dân (homestay), tham quan, trải nghiệm tại làng nghề, làng nghề truyền thống, thưởng thức món ăn đặc trưng gắn liền với đồng quê, tham quan, mua sắm sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP...
Hiện Quảng Bình có hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, trong đó có nhiều sản phẩm gắn với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại Quảng Bình đang hình thành và bước đầu phát triển khá tốt, tạo nền tảng cơ bản, vững chắc và đã mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, chưa theo quy định, quy chuẩn hay tiêu chí cụ thể. Cùng với đó, việc hỗ trợ người dân, cộng đồng trong quá trình hình thành và phát triển mô hình du lịch còn hạn chế; chất lượng các sản phẩm, chất lượng dịch vụ chưa cao; vấn đề liên kết, hợp tác về phát triển du lịch nông thôn để tạo ra các chương trình du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ chưa được đẩy mạnh…
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã tập trung trao đổi, thảo luận, gợi mở và đưa ra các giải pháp, định hướng để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại Quảng Bình. Trong đó tập trung vào các nội dung, như: du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; vấn đề phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với quốc phòng, an ninh tại các xã biên giới đất liền của tỉnh; phát triển du lịch nông thôn nhằm hạn chế tính thời vụ trong phát triển du lịch tại địa phương; vai trò của các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Bình…
Các tham luận cho thấy những tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình phù hợp trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Phát triển mô hình du lịch này sẽ phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của người dân nông thôn, đồng thời cung ứng chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng gắn liền với thế mạnh của các địa phương.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nhằm xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng phù hợp, phát huy được tiềm năng nổi trội của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng nhấn mạnh, để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng thực sự phát triển, tạo ra sản phẩm chất lượng, thu hút khách du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cho cộng đồng địa phương, một thành tố không thể thiếu đó là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng là chìa khóa để xây dựng một ngành du lịch bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm kêu gọi cộng đồng du lịch đóng góp tích cực vào việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng bằng cách: bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa và tự nhiên tại nơi mình sống; phát triển sản phẩm, trải nghiệm du lịch độc đáo; hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để khai thác thị trường khách; không ngừng tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm hay về du lịch; thúc đẩy sự hợp tác và liên kết dịch vụ tại địa phương để giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh của khu vực và tạo ra các chương trình du lịch phong phú và đa dạng hơn…
Trong khuôn khổ chương trình, hơn 100 sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được trưng bày, giới thiệu, thu hút đông sự quan tâm của các đại biểu và các đơn vị, doanh nghiệp... tham dự hội thảo.
Võ Dung