Phát triển Đảng trong vùng đồng bào Khmer (Bài 1)

Phát triển Đảng trong vùng đồng bào Khmer (Bài 1)
Bài 1: Tạo nguồn từ những hạt nhân ưu tú ở cơ sở Năng lực lãnh đạo của một tổ chức Đảng phụ thuộc rất lớn vào số lượng, chất lượng đảng viên. Đặc biệt, chất lượng đảng viên nếu được đảm bảo và nâng cao sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát huy kiến thức, trí tuệ của các đảng viên trong hoạt động lãnh đạo và công tác xây dựng Đảng. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc phát triển đảng viên lại càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo nguồn cán bộ ở cơ sở, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc ở địa phương.
Chi bộ thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Ảnh: tuyengiao.vn
Chi bộ thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân. Ảnh: tuyengiao.vn
Phát hiện hạt nhân - khâu quan trọngSóc Trăng là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đồng bào Khmer chiếm 30,18% số dân toàn tỉnh, đồng bào Hoa chiếm trên 5%. Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung ở một số địa phương của tỉnh như thị xã Vĩnh Châu, các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và Thạnh Trị. Theo ông Trần Phước Vĩnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, làm cho tổ chức Đảng ngày càng vững mạnh, thời gian qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng trực thuộc Tỉnh ủy luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, tăng cường kết nạp đảng viên, đảm bảo cả về chất lượng và số lượng đảng viên. Tại các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh, công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên lại càng được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bởi có phát hiện, giới thiệu đúng quần chúng ưu tú, mới có thể bồi dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện để họ rèn luyện, cống hiến và đóng góp hiệu quả nhất vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ngay tại vùng đồng bào Khmer sinh sống. Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 14/02/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nghị quyết chuyên đề, thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng phát triển đảng viên trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, các cấp ủy đảng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết của công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới. Cấp ủy cơ sở quan tâm việc phát hiện những hạt nhân ưu tú từ các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Nông dân…; phát hiện, bồi dưỡng những trường hợp có ý chí phấn đấu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương, được đồng bào Khmer tin yêu, học tập làm theo. Ông Lâm Sách, Trưởng ban Dân tộc Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết thêm: Để có nguồn phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh luôn quan tâm tạo nguồn từ những đối tượng công tác tại các đơn vị cấp xã, chi hội trưởng, phó chi hội các đoàn thể ở từng ấp, các nông dân sản xuất giỏi, chủ doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo… Tỉnh còn quan tâm chăm lo bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên người dân tộc Khmer đang theo học ở Trường Bổ túc Văn hóa Pali - cơ sở giáo dục dành riêng cho các vị sư tu ở các chùa Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo học từ lớp 6 đến lớp 12, các trường dân tộc nội trú, bán trú, các trường cao đẳng, đại học co,i đây cũng chính là nguồn nhân lực có chất lượng và lâu dài cho địa phương. Không chỉ Sóc Trăng, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh cũng có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Trong công tác xây dựng Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đặc biệt coi trọng khâu tạo nguồn phát triển đảng viên mới nhằm bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục của tổ chức Đảng ở cơ sở. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Văn Tiến chia sẻ, có phát hiện, giới thiệu đúng quần chúng ưu tú tiêu biểu, có nhận thức đúng về Đảng mới có thể bồi dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện để họ rèn luyện, cống hiến và đóng góp hiệu quả nhất vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ngay tại vùng đồng bào Khmer sinh sống. Tháng 4/2016, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh còn 114/526 chi bộ ấp, khóm có đồng bào dân tộc Khmer nhưng chưa có đảng viên người Khmer. Trước thực tế đó, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 04-KH/BTCTU ngày 13/4/2016 để khắc phục tình trạng chi bộ ấp, khóm có đồng bào dân tộc Khmer, nhưng chưa có đảng viên người dân tộc Khmer. Trong đó, Trà Vinh xác định công tác tạo nguồn, bồi dưỡng để kết nạp đảng viên người Khmer là nhiệm vụ rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng nhằm củng cố, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương. Với sự chỉ đạo sát sao, các cấp ủy quan tâm phát hiện hạt nhân, quần chúng ưu tú từ những phong trào thi đua, hoạt động cộng đồng ở địa phương để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Bởi vậy, từ năm 2016 đến nay, Trà Vinh đã khắc phục được 61 chi bộ ấp, khóm có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhưng không có đảng viên người Khmer. Chỉ riêng năm 2019, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã kết nạp thêm 292 đảng viên người Khmer, nâng tổng số đảng viên là người Khmer lên 7.506 đảng viên, chiếm gần 17% số đảng viên toàn tỉnh.Không “ép lúa non” Từ thực tiễn ở nhiều địa phương cho thấy, việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số sẽ góp phần thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ và làm theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy nhiên, việc tạo nguồn, phát triển đảng không thể chỉ chú trọng tới số lượng, cơ cấu, mà còn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Có như vậy, tổ chức Đảng mới đảm bảo phát huy tối đa sức mạnh của mình trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương. Từ kinh nghiệm trực tiếp ở cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) Thạch Văn Mến chia sẻ: Viên An có 90% người dân là đồng bào Khmer sinh sống. Với đặc thù này, trong công tác phát triển Đảng, Đảng bộ xã đặc biệt coi trọng công tác tạo nguồn, phát hiện quần chúng ưu tú từ chính những phong trào thi đua, các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: Chung sức xây dựng nông thôn mới, vận động người dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGap (quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), tham gia hợp tác xã, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu), giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp… Hàng năm, Đảng bộ xã giao trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng đối tượng đảng cho 11 chi bộ trực thuộc một cách cụ thể, chặt chẽ, tùy theo nguồn lực, tình hình của từng chi bộ chứ không áp đặt chỉ tiêu một cách cứng nhắc. Dối tượng nào thực sự tiêu biểu xuất sắc mới kết nạp, nếu chưa chín muồi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để quần chúng rèn luyện, phấn đấu chứ không “ép lúa non” vì chạy theo số lượng, đạt chỉ tiêu bằng mọi giá. Theo Bí thư Đảng ủy xã Viên An, xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2020, sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, Đảng bộ xã đặc biệt quan tâm phát hiện, bồi dưỡng những trường hợp thực sự có tâm huyết với tổ chức Đảng, có động cơ vào Đảng trong sáng, tích cực tham gia các hoạt động góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, được người dân tin yêu, để tạo nguồn phát triển đảng viên. (Còn tiếp)
Thanh Trà - Trung Hiếu - Phúc Sơn - Hồng Nhung

Có thể bạn quan tâm