Phát triển các đội văn nghệ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Lai Châu

Phát triển các đội văn nghệ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Lai Châu
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc ở Lai Châu không ngừng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống dân tộc dần bị mai một. Vì vậy, bảo tồn và khôi phục, phát huy văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết. Thành lập Câu lạc bộ, đội văn nghệ ở các xã, bản là mô hình hay và hiệu quả, do vậy tỉnh đã có chính sách hỗ trợ để nhân rộng. Qua đó, lớp trẻ sẽ được nghệ nhân truyền dạy lại những điệu múa, làn điệu dân ca, chế tác và sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình. Những dịp lễ, Tết, đội văn nghệ sẽ tham gia biểu diễn phục vụ dân bản, giao lưu văn nghệ với các đơn vị khác để học hỏi kinh nghiệm. 
 
Tại xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu), các nghệ nhân, thành viên Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính của xã luyện tập thường xuyên, với các tiết mục mang đậm bản sắc núi rừng, quê hương, con người nơi đây. Tiếng đàn tính cất lên hòa cùng tiếng quả xóc (bằng bạc) làm bản nhạc đệm cho điệu múa uyển chuyển của các chàng trai, cô gái. Trong buổi luyện tập, đông đảo người dân đến xem và thưởng thức tiếng đàn, lời ca, nghệ thuật biểu diễn của nghệ nhân, diễn viên của Câu lạc bộ. Không khí mỗi lúc một tươi vui, những lời ca xen lẫn tiếng tính tẩu đã thể hiện văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của dân tộc Thái. Mỗi bản nhạc trong Then thể hiện sự giao hòa giữa con người với đất trời và thiên nhiên. Đây cũng là niềm khát vọng của người dân vùng đất này về cuộc sống ấm no, sung túc. 

Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính xã Hua Nà thành lập từ năm 2014, có 12 thành viên, sinh hoạt một tháng một lần, với mục đích tìm, phát hiện ra người có khả năng, năng khiếu múa, hát, đánh đàn tính; tìm hiểu và lưu truyền nét văn hóa bản sắc dân tộc Thái. Để có được những bản tính tẩu hay, lời hát, điệu múa cổ xa xưa, các thành viên đã lặn lội về các bản tìm gặp người già xin truyền lại. Đặc biệt, các điệu then cổ, dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo được Câu lạc bộ sưu tầm, biên soạn vừa để bảo tồn, lưu giữ, phục vụ bà con địa phương. Câu lạc bộ đã dựa trên chất liệu cũ cải biên thành một số bài hát then mới với các ca từ ca ngợi tinh thần đoàn kết, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ nhau xây dựng bản làng, quê hương giàu đẹp văn minh. 

Nghệ nhân Nùng Văn Phiêu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính xã Hua Nà chia sẻ: Câu lạc bộ được thành lập đã góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là những làn điệu Then đặc trưng của dân tộc Thái. Lời hát Then thường phục vụ trong các nghi lễ đi tìm hồn người ốm, xin sức khỏe, xin tên lúc mới sinh. Ngoài ra, loại hình hát then - đàn tính còn phục vụ trong các ngày lễ, Tết của bản, của xã, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân. 

Ông Lò Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Hua Nà, huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết, cấp ủy và chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác giữ gìn, bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái trong đó có loại hình hát then - đàn tính. Mỗi dịp xã tổ chức hoạt động sự kiện lớn hay ngày lễ, Tết luôn có sự tham gia biểu diễn của Câu lạc bộ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương ngày càng tốt đẹp, khích lệ tinh thần bà con dân bản tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 

Ngoài việc tập luyện, biểu diễn, vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, ông Nùng Văn Phiêu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tổ chức dạy đàn Tính, hát Then cho trẻ em trong xã. Gần 20 em đang theo học tại đây đều thể hiện mong muốn, đam mê được tiếp cận, gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ông Phiêu mong muốn truyền lửa cho thế hệ sau biết điệu hát Then, múa, đánh đàn Tính để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. 

Ông Nùng Văn Phiêu cho biết, việc duy trì hoạt động của câu lạc bộ còn rất khó khăn về kinh phí, chi phí cho mỗi buổi hoạt động sinh hoạt và mua trang phục biểu diễn là do thành viên tham gia tự bỏ tiền. Để thu hút nhiều hơn nữa các thành viên, Câu lạc bộ mong muốn được quan tâm, hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên, mỗi khi lưu diễn. 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, văn hóa truyền thống của các dân tộc đang dần bị mai một vì bị giao thoa văn hóa mạnh mẽ. Cùng với đó, người già hiểu biết về văn hóa dân tộc không còn nhiều. Vì vậy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu cần có chính sách hỗ trợ để các Câu lạc bộ, đội văn nghệ ở xã, bản hoạt động. Những nghệ nhân, thành viên câu lạc bộ, đội văn nghệ sẽ là nhân vật sống để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một theo thời gian.
Việt Hoàng 
  
TTXVN

Có thể bạn quan tâm