Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La

Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La

Chiều 21/10, tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp Hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị Cà phê Sơn La".

Hội thảo tập trung đánh giá hiện trạng tình hình phát triển cây cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La; phân tích tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững cà phê chất lượng cao, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Sơn La.

Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La ảnh 1Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để canh tác cây cà phê chè arabica. Trong thời gian qua, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển cây cà phê.

Cây cà phê arabica được trồng tại Sơn La từ những năm 1990 với trên 270 ha, đến nay đạt hơn 20.000 ha (chiếm 41,2% diện tích cà phê arabica cả nước); trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 200.000 tấn quả tươi (giá trị sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.045 tỷ đồng).

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Sản phẩm cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đến nay vẫn duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho 6 tổ chức…

Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La ảnh 2Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Tuy nhiên, sản xuất cà phê ở Sơn La còn một số tồn tại như: sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nắng hạn, sương muối, mưa đá; chuỗi giá trị sản phẩm cà phê chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…

Các đại biểu và tham luận tại hội thảo cho rằng, để phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La cần tăng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; mở rộng diện tích trồng cà phê arabica ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến và quản lý, phát triển nhãn hiệu mang địa danh, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê đặc sản; thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tỉnh cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất; kiểm soát điều kiện đất đai, nguồn nước và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản…

Theo ông Vũ Việt Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, chế biến sâu cà phê arabica bền vững là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của cà phê arabica Sơn La với thị trường thế giới. Nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, tỉnh cần có sự tích hợp đồng bộ các giải pháp trong chuỗi trồng – chế biến – tiêu thụ cà phê. Với sự quan tâm, đầu tư của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, Sơn La có thể trở thành một trung tâm sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khó của thế giới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng chia sẻ: Cây cà phê có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân, do đó, tỉnh Sơn La luôn quan tâm để phát triển cây trồng này. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn; thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha; hình thành và phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao; xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ…

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm