Trước sự phát triển nóng của cây hồ tiêu, thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hạn chế mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, kêu gọi đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây hồ tiêu... |
Nghịch lý: Diện tích tăng, thu nhập giảm
Với trên 38.000 ha, Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước. Những vùng sản xuất hồ tiêu chuyên canh lớn có diện tích trên 5 ha xuất hiện ngày càng nhiều tại địa bàn các huyện: Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Pắk... Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng trạm khuyến nông huyện Cư Kuin, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 70% hộ đồng bào tham gia trồng hồ tiêu với diện tích khoảng 4.904 ha, sản lượng đạt 11.990 tấn. Nhờ cây hồ tiêu, tỷ lệ hộ nghèo của nhiều buôn, làng trong huyện đã giảm nhanh, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu.
"Để cây hồ tiêu thực sự mang lại giá trị kinh tế bền vững cho đồng bào, ngành hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk rất cần sự liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh) trong sản xuất, kinh doanh, chế biến cũng như thu hút vốn đầu tư", ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết. |
Trước lợi ích kinh tế từ cây hồ tiêu, đồng bào ở Đắk Lắk đã không ngừng mở rộng diện tích, xóa bỏ vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng hồ tiêu. Nếu như năm 2012, diện tích trồng hồ tiêu của tỉnh là 8.047 ha, sản lượng đạt 15.639 tấn thì đến đầu năm 2017, diện tích đã lên tới 38.616 ha (tăng 4,8 lần), sản lượng đạt 71.711 tấn (tăng 4,58 lần). Đến những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn như: Cư Kuin, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ..., dù đã vào thời điểm cuối vụ nhưng chúng tôi thấy đồng bào vẫn đang cần mẫn thu hoạch tiêu, đồng thời tiếp tục canh tác để chuẩn bị những diện tích trồng tiêu mới.
Vườn ươm giống cây hồ tiêu của gia đình chị Chu Thị Quyên ở thôn 4, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột. |
Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra với cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, là diện tích cây trồng tăng nhưng giá bán lại giảm sâu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của đồng bào và tính bền vững của loại cây này. Vì chạy theo lợi nhuận, ít quan tâm đến giống, thiếu kiến thức canh tác, chăm sóc không theo đúng quy trình kỹ thuật... nên sản lượng và chất lượng hồ tiêu bị suy giảm nghiêm trọng. Trước đây, giá bán hồ tiêu luôn ở mức cao, từ 150.000 - 200.000 đồng/kg nhưng hiện nay, giá bán giảm mạnh, chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg...
Mô hình trồng xen canh cây hồ tiêu trong vườn cà phê ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk. |
Phát triển bền vững cây hồ tiêu
Hiện nay, các hộ trồng tiêu ở Đắk Lắk thường chọn giống: Phú Quốc, Tiêu Châu, Tiêu Sẻ, Lộc Ninh, Vĩnh Linh, Ấn Độ... để trồng. Nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa do thiếu kiến thức canh tác đã không chú trọng cải tạo, xử lý đất; trồng tiêu trên những vùng đất không phù hợp, ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học... đã làm sâu bệnh phát triển mạnh, không chỉ làm chết hàng loạt các vườn tiêu, phá vỡ kế hoạch sản xuất mà còn gây ảnh hưởng đến quy hoạch và sự phát triển bền vững của cây hồ tiêu trên địa bàn.
Buôn Răng A, xã Cư Bao là địa phương trồng nhiều hồ tiêu ở thị xã Buôn Hồ. |
Để hồ tiêu phát triển bền vững, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk (Sở NN&PTNT Đắk Lắk) cho biết: Về lâu dài, Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã có chỉ đạo đồng bào không nên mở mới diện tích trồng hồ tiêu và không tái canh trên diện tích tiêu đã chết mà cần chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp lâu dài, có giá trị kinh tế cao. Những diện tích tiêu còn thì hướng dẫn đồng bào chăm sóc đúng kỹ thuật. Sở cũng mở các lớp tập huấn cách trồng an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học, vừa giảm được chi phí đầu tư vừa không làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng…
Hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây hồ tiêu trên cơ sở cải tiến từ công nghệ nhỏ giọt Israel của gia đình chị Triệu Thị Phương ở xã Đắk Phơi, huyện Lắk. |
Tỉnh Đắk Lắk cũng cần có các biện pháp hỗ trợ đồng bào canh tác an toàn và hướng dẫn thủ tục để sản phẩm tiêu có chứng nhận cụ thể như: VietGAP, GlobalGAP. Để cây hồ tiêu thực sự mang lại giá trị kinh tế bền vững cho đồng bào, ngành hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk rất cần sự liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh) trong sản xuất, kinh doanh, chế biến cũng như thu hút vốn đầu tư.
Chất lượng hồ tiêu Cư Kuin ngày càng được nâng cao và có uy tín trên thị trường. |
Theo các chuyên gia nông nghiệp, đầu ra cho cây hồ tiêu ở Đắk Lắk vẫn là vấn đề nan giải nhất. Nếu cây hồ tiêu không mang lại giá trị kinh tế cao, đồng bào sẽ chuyển hướng sang trồng cà phê hay các loại cây trồng khác. Vì vậy, Đắk Lắk cần có định hướng đúng để hồ tiêu phát triển bền vững, tiếp tục là cây xóa đói, giảm nghèo cho các hộ đồng bào sinh sống trên địa bàn.
Đồng bào dân tộc Dao ở xã Cư suê, huyện Cư M’Gar chăm sóc cây hồ tiêu, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt, góp phần tăng năng suất khi thu hoạch. |
Để thay đổi cách thức canh tác cho nông dân, hướng tới sản xuất hồ tiêu an toàn, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn đồng bào ở xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắk trồng và chăm sóc cây hồ tiêu. |
Trước biến động giảm giá hồ tiêu, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk rất cần một cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, tổ chức liên kết sản xuất lớn theo quy trình đảm bảo chất lượng và hiệu quả. |
Hữu Hải – An Thành Đạt