Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ở biên giới

Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ở biên giới

Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, già làng A Lào (làng Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) luôn là người đi đầu trong phát triển kinh tế, tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương và phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biết pháp luật đến bà con người dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp cuộc sống bà con ngày càng phát triển, góp phần vào giữ vững tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới.

Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ở biên giới ảnh 1Già làng A Lào (làng Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) luôn một lòng tin Đảng và không ngừng nỗ lực trong việc học tập theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Già làng A Lào sinh ra tại làng Đăk Răng và từng là người lính Bộ đội cụ Hồ tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Do đó, già A Lào luôn một lòng tin Đảng và không ngừng nỗ lực trong việc học tập theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điển hình như việc già A Lào đã tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mì (sắn) kém hiệu quả sang trồng cà phê cho kinh tế cao hơn. Kết hợp với việc nuôi hơn 1.000m2 ao cá đã mang lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Đây là con số rất lớn đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số, nhất là tại vùng biên giới như xã Pờ Y.

Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ở biên giới ảnh 2Trong đợt cao điểm của dịch COVID-19, Già làng A Lào (làng Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thường xuyên cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng đi từng nhà để tuyên truyền người dân đảm bảo công tác phòng chống dịch tại khu vực giáp biên, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.

Già A Lào chia sẻ, trước đây bà con vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu, kém hiệu quả, chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên đời sống còn khó khăn, thiếu thốn. Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng những loại cây mang lại kinh tế cao hơn, già đã mạnh dạng chuyển đổi để người dân trong vùng tin tưởng và làm theo.

Anh A Héo (làng Đăk Răng) cho biết, là già làng với những tư duy tiến bộ, già A Lào đã giúp người dân có những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Giờ đây người dân trong làng đã chuyển đổi nhiều hécta trồng mì sang trồng cây cao su, cà phê, mắc ca và có thu nhập ổn định. Chính quyền địa phương còn tích cực hỗ trợ, tập huấn cho người dân về áp dụng công nghệ trong lao động, sản xuất và kỹ thuật chăm sóc cây trồng mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, đời sống của người dân đã trở nên khấm khá và ngày càng phát triển.

Bên cạnh khuyến khích người dân phát triển kinh tế, già A Lào luôn xung phong đi đầu trong các hoạt động ở khu dân cư và thực hiện cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương. Nổi bật như việc già A Lào tình nguyện hiến 300m2 đất và chấp nhận bỏ một phần diện tích cà phê để hưởng ứng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, làm đường ra khu sản xuất cho người dân trên địa bàn. Cùng đó, già A Lào còn bỏ công sức, tiền bạc để làm đường ống đưa nước sạch về làng để người dân sử dụng vào công việc tưới tiêu, sinh hoạt hằng ngày.

Anh Thao Đế (làng Đăk Răng, xã Pờ Y) chia sẻ, những việc làm của già A Lào được xem như một tấm gương sáng để người dân trong vùng noi theo, học hỏi. Bằng sự nhiệt huyết của mình, già A Lào đã giúp đường làng trở nên khang trang, sạch sẽ, bà con từ đó đã có nước sinh hoạt, đường đi khu sản xuất thuận tiện, giúp công việc vận chuyển nông sản đỡ vất vả hơn trong mùa mưa.

Làng Đăk Răng là địa phương có gần 70% là người dân tộc Xơ Đăng đang sinh sống. Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về triển khai Cuộc vận động Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, chính quyền xã Pờ Y đã tích cực vận động người dân tập trung phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như cà phê, cao su, mắc ca để phát triển kinh tế.

Trong đó, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả những mô hình này. Với uy tín của mình, già A Lào đã phối hợp cùng các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động để người dân cùng nhau thực hiện. Nhờ đó, người dân tại làng Đăk Răng ngày càng mở rộng diện tích canh tác, hăng say lao động. Hiện, làng Đăk Răng có hơn 100 hécta cà phê, 4 hécta cao su, hơn 1 ha cây ăn trái… Mức thu nhập bình quân của người dân đạt 33 triệu đồng/năm. Cuộc sống của người dân đã từng bước được thay đổi khi cả thôn chỉ còn 7 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, với đặc thù là xã biên giới, tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia, Pờ Y được xem như vùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh trật tự của tỉnh Kon Tum. Nhận thức được điều này, già làng A Lào luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền và lực lượng Bộ đội Biên phòng trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là các văn bản pháp luật, quy chế biên giới. Từ đó, giúp người dân có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của trong giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực giáp biên.

Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ở biên giới ảnh 3Già làng A Lào (làng Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tích cực vận động người dân hăng say lao động, phát triển kinh tế.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y Thao Thiêm cho biết, già A Lào được xem như “cánh tay nối dài” của địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân sống và làm việc theo pháp luật, giữ vững tình hình an ninh, trật tự trong khu vực. Với sự hiểu biết của mình, già đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con trong thôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chung tay cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc. Già còn là tấm gương sáng để người dân noi theo, học hỏi trong lao động sản xuất và nâng cao đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Dù đã lớn tuổi, song già làng A Lào với những tâm huyết của mình vẫn không ngừng nỗ lực, vận động người dân cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng đến làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình. Qua đó, không ngừng xây dựng làng Đăk Răng nói riêng và huyện Ngọc Hồi nói chung ngày càng phát triển. Với những đóng góp của mình, già làng A Lào vinh dự được nhận giấy khen, bằng khen từ các cấp Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, năm 2020, già được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm