Già A Bang điểm tựa tinh thần của đồng bào Gié-Triêng

Già A Bang điểm tựa tinh thần của đồng bào Gié-Triêng

Đã ngoài 83 tuổi, già A Bang (làng Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) vẫn luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi về các mô hình phát triển sinh kế và hỗ trợ cộng đồng người Gié-Triêng tại địa phương vươn lên thoát nghèo. Già A Bang là “cầu nối” giữa người dân với chính quyền địa phương, tấm gương sáng giúp bà con có thêm ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Già A Bang điểm tựa tinh thần của đồng bào Gié-Triêng ảnh 1Già A Bang (đứng giữa) hướng dẫn gia đình của anh A Vít ở làng Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék (Đăk Glei, Kon Tum) chăn nuôi theo hướng vườn, ao, chuồng kết hợp trồng cây bời lời để phát triển kinh tế. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Trước đây, cuộc sống của già A Bang và người Gié-Triêng tại làng Pêng Sal Pêng còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn. Người dân trong làng phụ thuộc chủ yếu vào việc làm nương rẫy, trồng mì (sắn) để sống qua ngày. Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, song một bộ phận người dân chưa tin tưởng và giữ phương thức canh tác lạc hậu, kém hiệu quả.

Để dân tin, làm theo, năm 2018, già A Bang tiên phong chuyển đổi 2ha trồng mì kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây bời lời. Già A Bang tích cực tham gia lớp tập huấn do chính quyền địa phương tổ chức để hiểu rõ hơn cách trồng và hiệu quả kinh tế của loại cây này mang lại.

Già A Bang chia sẻ, cây bời lời rất dễ trồng, chăm sóc và hầu như không cần chăm bón. Sau 5 năm, cây có thể khai thác và phải mất khoảng 20 năm mới bắt đầu trồng lại. Loại cây này cho hiệu quả kinh tế nhờ có thể bán vỏ khô và gỗ của cây, lá tươi làm thức ăn gia súc. Trong thời gian cây tái sinh, người dân có thể trồng xen mì để tăng thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.

Kết hợp đầu tư hơn 500m2 ao nuôi cá, vịt, cuộc sống của già A Bang ngày càng phát triển, thu về khoảng 30 triệu đồng tiền lãi/năm. Nhờ những thành công đó, già A Bang tích cực vận động các con trong nhà và người dân tại làng Pêng Sal Pêng trồng cây bời lời để có thêm cơ hội thoát nghèo. Đồng bào tin tưởng, 20 hộ đã làm theo.

Nhiều hộ đã thành công nhờ học hỏi theo tấm gương sáng của già A Bang. Điển hình là hộ anh A Vít (làng Pêng Sal Pêng)đã trồng 4 ha cây bời lời, hơn 3,3 ha rừng thông kết hợp chăn nuôi gia súc, cá.

Anh A Vít cho biết, nhờ có già A Bang tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bà con dần thay đổi tư duy, hủ tục lạc hậu. Anh không còn nuôi gia súc theo hướng thả rông trong rừng, thay vào đó là nuôi nhốt chuồng trại.

Nhờ vậy, số gia súc và cây bời lời của anh gia đình A Vít ngày càng phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình A Vít thu về tiền lãi gần 50 triệu đồng, trở thành hộ khá giả trong vùng. Thời gian tới, anh A Vít dự kiến chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả còn lại để tiếp tục mở rộng diện tích ao cá và cây bời lời nhằm hướng đến cuộc sống sung túc hơn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Pék Y Kim Lý cho biết, với cộng đồng người Gié-Triêng, già làng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối giữa đồng bào và chính quyền địa phương. Bên cạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các già làng còn là tấm gương trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế. Điển hình tại địa phương chính là tấm gương sáng của già A Bang.

Già A Bang điểm tựa tinh thần của đồng bào Gié-Triêng ảnh 2Già A Bang hỗ trợ gia đình anh A Vít tại làng Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék (Đăk Glei, Kon Tum) phát triển kinh tế. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Nhờ học tập theo già A Bang, nhiều hộ dân tại xã Đăk Pék từng bước thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2023, toàn xã còn 158 hộ, giảm 7 hộ so với cuối năm 2022, chiếm 6,34% tổng số số hộ dân trên địa bàn. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được xem như “đòn bẩy” quan trọng, thúc đẩy phát triển sản xuất của người dân; có hơn 60% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đăk Pék biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Huyện Đăk Glei có 92 già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Bằng uy tín, kinh nghiệm và nhiệm vụ được giao, các già làng, người có uy tín thực sự là “cầu nối” giữa Đảng với người dân, là điểm tựa tinh thần trong đồng bào các dân tộc.

Đội ngũ người có uy tín đã có nhiều đóng góp cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ an ninh, trật tự, tích cực tham gia giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ người dân. Đặc biệt, vận động đồng bào dân tộc thiểu số không tranh dành đất đai, không nghe, không tin và không theo kẻ xấu kích động, xúi giục chống phá chế độ, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glei Y Thanh nhấn mạnh, thời gian tới, huyện tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các già làng, người có uy tín. Đồng thời, huyện tạo mọi điều kiện để đội ngũ này được nghiên cứu, giao lưu và nâng cao nhận thức, góp phần mang lại hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Địa phương nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách đặc thù, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đảm bảo chất lượng, hiệu quả của chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng dân tộc trong giai đoạn mới. Từ đó, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của già làng, người có uy tín, hướng đến nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của cộng đồng người Gié -Triêng trên địa bàn.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm