Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

* Nông nghiệp đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước 

Chủ trì diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nêu rõ : Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trong đó có phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước. Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn đạt thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến… 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN 

* Phát triển chưa tương xứng, thiếu bền vững 

Trong hơn 30 năm qua, có thể khẳng định, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có phát triển doanh nghiệp nông nghiệp rất đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức tới hạn. Ví dụ như tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%). Năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, hiện đang đối mặt với những vấn đề kinh tế nan giải, đó là: giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ. 

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp, hợp tác xã chậm phát triển; sản xuất kinh doanh nông nghiệp thiếu liên kết. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% các doanh nghiệp được điều tra (chỉ có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp so với tổng số 420.251 doanh nghiệp hoạt động được điều tra). Giai đoạn 2010-2014, tốc độ tăng số doanh nghiệp nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm. Đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 3.640 doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ cấu của các doanh nghiệp nông lâm thủy sản chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 96,53% tổng số doanh nghiệp; có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông - lâm - thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động); doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 47,63%), tiếp đến là thủy sản (chiếm 35,43%) và ít nhất là lâm nghiệp (chiếm 16,94%). Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp ở mức khiêm tốn. Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014. 

Đồng quan điểm trên, các tham luận tại Diễn đàn cho rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã khẳng định vị trí trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân của thực trạng đó là do sự thiếu vắng doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt phát triển trong lĩnh vực này. Hiện nay, sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản còn hạn chế, chiếm khoảng hơn 1% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TTXVN 

* Thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển 

Để phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, các tham luận đề nghị cần tập trung đổi mới cách thức tổ chức, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả phù hợp với từng ngành hàng, lĩnh vực, đặc biệt đối với vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng cung cấp các dịch vụ kiểm dịch động thực vật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, cần thực hiện đổi mới hình thức quản lý các dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiên hà cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; đẩy nhanh việc hình thành cụm liên kết công nông nghiệp… 

Đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục định hướng cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó có cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực cụ thể, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn. Từng địa phương, vùng xác định lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao; chuyển đổi sản xuất nông-lâm-thủy sản từ chỗ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; cần đổi mới quan hệ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chủ yếu ở quy mô hộ sang mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung dựa vào doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại… 

Theo Vụ Nông nghiệp-Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, trong thời gian tới, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng, công khai, minh bạch các dự án phát triển nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng để phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa bàn đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân nông thôn. Đẩy nhanh quá trình tập trung, tích tụ đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao quy mô sản xuất của các hộ sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hóa. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào quá trình tổ chức sản xuất theo chuỗi, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm theo hình thức xây dựng “Cánh đồng lớn”. Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa… 

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam cho rằng, cần tạo điều kiện cho doanh nhân được đầu tư, phát triển và hỗ trợ lại chính người nông dân. Đưa người nông dân vào các tổ nhóm hợp tác xã, sản xuất theo hình thức liên kết, công nghệ cao.

Quang cảnh Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.  Ảnh: TTXVN 
               

Có thể bạn quan tâm