Ông Phan Văn Khanh bên vườn thanh long ruột đỏ. Ảnh: Minh Trí-TTXVN |
Ông Phan Văn Khanh cho biết, quê ông ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Quê cũ đất hẹp người đông, điều kiện kinh tế khó khăn. Hưởng ứng chủ trương khai hoang Đồng Tháp Mười, ông đã đưa gia đình vào xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước lập nghiệp vào năm 1992.
Buổi đầu đến quê mới lập nghiệp rất vất vả. Cả gia đình ông phải làm thuê, làm mướn rồi giăng câu…làm kế sinh nhai. Sau hàng chục năm, gia đình ông đã tích lũy được một số vốn để mua 1,5 ha đất hoang kề bên kênh Tây – một con kênh trục chính có nhiệm vụ lấy nước tưới tiêu, tháo rửa chua phèn trong vùng Đồng Tháp Mười, dựng nhà, định cư lập nghiệp lâu dài.
Theo ông Phan Văn Khanh, tuy đất đai nơi đây bị nhiễm phèn nặng, hoang hóa lâu năm chưa được khai thác nhưng lại thích hợp để trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế như: Dứa (khóm), khoai mỡ…Có đất, ông Khanh cùng gia đình đầu tư khai hoang đưa vào trồng khoai mỡ. Những năm đầu tiên, khoai mỡ vừa trúng mùa vừa trúng giá, năng suất đạt từ 15 đến 20 tấn củ trở lên, gia đình ông có mức thu nhập ổn định. Sau ít năm khai thác, trồng khoai mỡ không còn phù hợp nữa, ông chuyển sang trồng dứa. Đây cũng là loại cây trồng đặc hữu trên Đồng Tháp Mười, cho giá trị kinh tế cao không kém khoai mỡ. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán 7.000 đồng – 8.000 đồng/kg, mỗi ha dứa sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi ròng hàng trăm triệu đồng.
Chăm sóc gừng trồng trên đất lúa 1 vụ trước đây ở xã Phú Thạnh. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Sẵn có kinh nghiệm canh tác sau hàng chục năm gắn bó với miền đất mới, ông Khanh đã mạnh dạn thuê thêm hàng chục ha đất khác của các hộ xung quanh để trồng dứa. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch trên 220 tấn dứa quả, thu lãi ròng trên 1 tỉ đồng/ năm. Ông Khanh đã tích lũy vốn mua thêm 3 ha đất canh tác chia cho các con lập nghiệp.
Với cách thức sản xuất hiệu quả, từ gia cảnh nghèo khó, ông Khanh tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững sau hàng chục năm lao động trên miền đất mới nhiều khó khăn. Ông Khanh đã được vinh danh là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, ông Khanh đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi ven bờ kênh Tây.
Theo ông Khanh, vùng Đồng Tháp Mười thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai nhiễm phèn nặng. Hiện nay, mạng lưới kênh mương thủy lợi – giao thông ở đây được hoàn thiện kết hợp với các chính sách di dân lập nghiệp của Nhà nước đã mở ra cơ hội đổi đời cho nhiều những nông dân cần cù lao động và nhạy bén trước những thời cơ, vận hội mới.
Không chỉ dừng lại ở việc canh tác những cây trồng truyền thống như dứa, khoai mỡ, ông Phan Văn Khanh còn chuyển 1,5 ha đất trồng dứa trước đây sang trồng thanh long ruột đỏ. Để chuyển đổi hiệu quả, ông áp dụng quy trình trồng, chăm sóc thanh long theo khoa học. Với 1,5 ha đất, ông trồng 2.000 trụ thanh long, mỗi trụ gồm 4 gốc thanh long ruột đỏ. Chỉ sau 9 tháng trồng, thanh long đã cho trái bói. Mỗi năm, vườn thanh long có thể cho thu hoạch từ 5 – 6 đợt, năng suất đến 40 tấn quả/ha. Với giá bình quân 30.000 đồng/kg quả thanh long, hàng năm, gia đình ông thu khoảng 1,2 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi từ 700 triệu đến 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Rỡ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân cho biết, từ mô hình vườn trồng thanh long của gia đình ông Phan Văn Khanh, toàn xã Thạnh Tân đã mở rộng diện tích trồng cây thanh long lên gần 120 ha. Đây cũng là loại cây trồng chủ lực được xã xác định đưa vào cơ cấu trồng trọt tại địa phương nhằm giúp nông dân làm giàu.
Không chỉ năng động, thành công trong phát triển kinh tế ở vùng Đồng Tháp Mười, ông Phan Văn Khanh còn là một tấm gương tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hưởng ứng chủ trương về phát triển giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông đã hiến gần 100 m2 để chính quyền đầu tư mở rộng và nâng cấp tuyến đường Tây kênh Tây phục vụ dân sinh. Hằng năm, gia đình ông Khanh còn tích cực đóng góp giúp đỡ hộ nghèo khó, gia đình chính sách neo đơn ở địa phương.
Minh Trí