Phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận

Bản vẽ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN
Bản vẽ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Sáng 18/9, tại huyện Thạch Thành, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận ảnh 1Bản vẽ quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận. Ảnh: Hoa Mai – TTXVN

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch khu Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận là 977,568 ha thuộc địa phận xã Thành Yên, xã Thạch Minh (huyện Thạch Thành), gồm khu vực bảo vệ của di tích và khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích. Trong đó, vùng bảo vệ di tích có diện tích gần 500 ha với các điểm di tích cụ thể được bảo vệ gồm: hang Con Moong, hang Lai, hang Diêm, hang và mái đá Mộc Long, hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, thành đất đắp Đầu Voi…

Việc quy hoạch không gian bảo tồn, tôn tạo đối với từng điểm di tích phải bảo đảm tôn trọng tối đa tính nguyên gốc về các giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực di tích. Đồng thời tái hiện tính đặc trưng của di tích là hang động gắn với rừng nguyên sinh bao quanh và suối cũng như bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Cúc Phương. Thời gian thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận từ năm 2021 đến năm 2030.

Để phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Thạch Thành sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa xây dựng các tuyến, điểm du lịch nội vùng, liên huyện, liên tỉnh để kết nối hang Con Moong tới các điểm du lịch trong tỉnh như: Thành phố Thanh Hóa, Lăng miếu Triệu Tường, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Suối cá thần. Đồng thời kết nối Di tích hang Con Moong tới các điểm di tích trong Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), kết hợp phát triển du lịch sinh thái với du lịch tìm hiểu lịch sử, khảo cổ và văn hóa tộc người.

Nằm trong vùng đệm rừng Quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong được phát hiện lần đầu vào năm 1974, khai quật lần đầu năm 1976. Năm 2008 - 2009, phục vụ việc nghiên cứu lập Hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, hang Con Moong được khảo sát và công bố kết quả nghiên cứu bước đầu. Năm 2010 - 2014, Viện Khảo cổ học Việt Nam hợp tác với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục khai quật, nghiên cứu hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận ảnh 2Bàn giao hồ sơ quy hoạch cho UBND huyện Thạch Thành. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Các nghiên cứu đã cho thấy, địa tầng hang Con Moong thực sự là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa đã mất, là nơi quần cư liên tục của ba nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á là văn hóa Sơn Vi, qua văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Bắc Sơn; là sự tiếp nối giữa thời kỳ đá cũ đến đá mới, từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt sơ khai. Các nghiên cứu cho thấy con người thời tiền sử đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước.

Với giá trị lịch sử văn hóa nổi bật đó, hang Con Moong được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016. Hang Con Moong đang trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm