“Vua Phật” với ê kíp sáng tạo gồm: Tác giả văn học TS Bùi Hữu Dược, chuyển thể cải lương NGƯT Triệu Quang Vinh, đạo diễn Triệu Trung Kiên, biên tập cổ nhạc NSƯT Hoàng Đạt... và sự tham gia của các diễn viên Quang Khải, Minh Hải, Văn Đáng, Hoàng Tùng, Xuân Thông, Đại Dương, Văn Hiệp... hứa hẹn là một vở diễn đặc sắc về “Vua đời, Vua đạo” Trần Nhân Tông.
Tác giả vở diễn, TS Bùi Hữu Dược chia sẻ: “Trước những báo động về hiện tượng rất nhiều người dân Việt Nam lại không biết sử Việt Nam, điểm thi môn lịch sử quá thấp, giới trẻ ngày càng quay lưng lại thờ ơ với lịch sử... tôi đã quyết định viết kịch bản về Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhằm mang tới cho khán giả hôm nay những suy nghĩ hướng về nguồn cội của dân tộc. Nhân vật Phật hoàng Trần Nhân Tông được mệnh danh là "Vua đời - Vua đạo", một nhân cách sáng ngời trí đức, siêu quần nổi bật ở nhiều mặt: Là một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà chính trị kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một lãnh tụ tôn giáo tuyệt vời là hành giả trong pháp xuất thế, bậc Tổ sư của dòng Thiền trúc lâm riêng có ở VN còn tồn tại tới ngày nay. Tôi muốn hậu thế hiểu rõ gương hạnh, công đức của Ngài để trân quí, giữ gìn, phát huy những giá trị vô giá mà Ngài để lại, hun đúc ý chí độc lập tự cường của mỗi người dân Việt Nam góp phần xây dựng Tổ quốc vững mạnh”.
Một nhân vật trong vở diễn. Ảnh: BTC cung cấp
|
Trong quá trình dàn dựng, vở diễn cũng đã nhận được sự cố vấn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ý kiến đóng góp của các học giả, các nhà văn, nhà biên kịch, đại diện họ Trần. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng đã có những đóng góp về vật chất và tinh thần vào kinh phí dàn dựng và tổ chức biểu diễn.
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: "Vở diễn được xây dựng với nguồn vốn 100% từ kinh phí xã hội hóa, đồng nghĩa với việc chúng tôi có thể vươn ra một quy mô dàn dựng lớn với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại như màn hình led cùng với sự cộng tác của các sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đoàn múa Khám Phá và cả sự hỗ trợ của các nhà sư của Học viện Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi rất mừng khi vở diễn chưa công diễn nhưng đã nhận được rất nhiều điện thoại cũng như sự chia sẻ, quan tâm của khán giả hỏi về vở. Trước mắt, Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ mới công diễn ba đêm đầu tiên từ 23 - 25/11, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ; sau đó sẽ được đem đi lưu diễn tại các địa phương trên cả nước. Đài Truyền hình Việt Nam cũng sẽ phối hợp với chúng tôi đưa vở diễn lên Nhà hát Truyền hình để khán giả cả nước đều có cơ hội được xem".
Đây là lần đầu tiên tác giả, TS Bùi Hữu Dược viết kịch bản cho sân khấu nói chung, cải lương nói riêng. Tuy nhiên, theo đạo diễn Triệu Trung Kiên thì kịch bản văn học của tác giả Bùi Hữu Dược được viết rất trau chuốt, cẩn thận và có nhiều kiến thức sâu sắc hơn nhiều kịch bản sân khấu đã từng xây dựng về nhân vật bởi tác giả đã có nhiều năm công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ. Chính vì sự uyên thâm hiểu biết nên kịch bản được viết rất chặt chẽ, nên đạo diễn Triệu Trung Kiên sẽ không mang những thủ pháp sân khấu đưa vào vở, mà lựa chọn một cách thể hiện giản dị nhất, chân thành nhất theo mạch và các tình tiết để nhân vật thực sự sống động và đời nhất. Có thể gọi đây là một “bữa tiệc nghệ thuật chay” được sự phối hợp của các loại hình cộng sinh cho tác phẩm sân khấu như ngôn ngữ mỹ thuật, múa, âm nhạc.
Vai diễn Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ do nghệ sĩ Minh Hải đóng vai Phật hoàng Trần Nhân Tông hồi I (khi trẻ) và nghệ sĩ Quang Khải thể hiện ở hồi II. Ê kíp diễn viên hầu hết là các nghệ sĩ trẻ, nên đạo diễn đã phải rất vất vả để trao đổi làm sao có thể làm sáng được tư tưởng và thần thái của nhà phật. Mặc dù đã có một số những vai diễn xuất sắc trên sân khấu cải lương gần đây như Chàng Ba trong “Chuyện tình Khau Vai”, Mai Hắc Đế trong vở cùng tên, nhưng nghệ sĩ Quang Khải cũng đã rất khổ công và vất vả để tìm được chìa khóa thể hiện cho vai Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nghệ sĩ Quang Khải cho biết, anh và nghệ sĩ Minh Hải đã phải dự các khóa thiền, trao đổi với các nhà sư, những nhà nghiên cứu lịch sử để có thể cảm nhận thấu đáo được thần thái của nhân vật Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định: "Vở cải lương Vua phật là một sự kiện đặc biệt đối với Phật giáo Việt Nam, vì đây là vị vua anh minh đã xây dựng cho toàn dân một nền luân lý đạo đức học Phật giáo thật sống động và thiết thực, không bi quan, yếm thế, mở ra một cái nhìn toàn diện và tích cực trong triều đại nhà Trần. Sân khấu cải lương dựng Vua phật giúp cho khán giả nói chung, phật tử nói riêng có thêm những hiểu biết sâu sắc về danh nhân lịch sử, vị anh hùng dân tộc Vua Phật Trần Nhân Tông.Tinh thần nhập thế Phật giáo sẽ giúp con người nhận thức sâu sắc về sự hiện hữu tinh thần từ bi, trí tuệ và dung nhiếp của Phật giáo. Vở diễn đã làm sáng hơn cho nhân vật đức phật, đồng thời cũng mang tới cho người xem những cảm nhận mới mẻ về triết lý của nhà phật với tư tưởng từ bi, hỉ xả".
Báo Tin Tức