Phát hiện ca bệnh cúm A (H5) trên người sau hơn 8 năm “vắng bóng”

Vaccine phòng cúm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp trước khi tiêm chủng. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Vaccine phòng cúm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp trước khi tiêm chủng. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Sáng 21/10, Bộ Y tế cho biết, thông qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10/2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế ghi nhận 1 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A (H5), hiện đang sống tại huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.

Phát hiện ca bệnh cúm A (H5) trên người sau hơn 8 năm “vắng bóng” ảnh 1Vaccine phòng cúm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp trước khi tiêm chủng. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, ngày 20/10/2022, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã gửi Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Bên cạnh tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao, các địa phương sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm