Phân vùng theo nguy cơ, mức độ của dịch COVID-19 để kịp thời phục hồi sản xuất, kinh doanh

Phân vùng theo nguy cơ, mức độ của dịch COVID-19 để kịp thời phục hồi sản xuất, kinh doanh

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 1/9 đến 17 giờ ngày 2/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.197 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh; 13.186 ca trong nước.

Phân vùng theo nguy cơ, mức độ của dịch COVID-19 để kịp thời phục hồi sản xuất, kinh doanh ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu vực bị phong tỏa. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao (5.963 ca); tiếp đó là Bình Dương (4.504 ca); Đồng Nai (803 ca); Long An (583 ca); Tiền Giang (290 ca); Kiên Giang (122 ca); Đồng Tháp (102 ca)... Trong số này có 7.255 ca trong cộng đồng.

Tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 486.727 ca mắc COVID-19, trong đó có 259.324 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 12.138 ca tử vong. Hiện có 6.443 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó thở ô xy qua mặt nạ 4.145 ca; thở ô xy dòng cao HFNC 1.238 ca; thở máy không xâm lấn 176 ca; thở máy xâm lấn 858 ca; ECMO 26 ca.

* Kịp thời rà soát, hỗ trợ người dân khó khăn, tránh bỏ sót

Ngày 2/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và gặp gỡ một số người dân đang sinh sống trong các nhà trọ ở phường 14, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều người dân thuê trọ ở trên địa bàn phường 14, quận Gò Vấp chia sẻ khó khăn khi dịch COVID-19 kéo dài hơn 4 tháng nay, nhiều nhà không còn tiền và mong muốn được miễn, giảm tiền điện, nước. Đặc biệt, một số người làm nghề may mặc tự do từ 4 tháng nay mới chỉ nhận được túi hàng cứu trợ từ phường vì không thuộc diện 5 đối tượng được hỗ trợ đợt này theo chủ trương của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo quận Gò Vấp rà soát các đối tượng đang gặp khó khăn, nếu không nằm trong diện được hỗ trợ theo chủ trương của thành phố phải kịp thời báo cáo, đề nghị cấp trên bổ sung, tránh bỏ sót. Chính quyền địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung thêm thịt, trứng cho các gia đình ở trọ có trẻ em, nhất là những hộ khó khăn, không có điều kiện mua hàng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu chính quyền quan tâm hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh ở các nhà trọ, nhất là khi sắp khai giảng năm học mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị quận Gò Vấp tập trung chỉ đạo công tác chăm sóc, điều trị F0 ngay từ đầu để giảm tối đa số bệnh nhân phải chuyển tuyến như: Phát thuốc ngay cho những người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; tổ chức tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ nhân viên y tế thăm hỏi trực tiếp hàng ngày F0 tại nhà; chăm lo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bà con; đồng thời phải có phương án cấp phát thuốc ngay tại nhà cho F0;…

* Bảo đảm điều kiện vận chuyển, cung ứng oxy y tế

Để kịp thời có đầy đủ phương tiện, trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương có giải pháp, cơ chế ưu tiên đặc biệt: Vận chuyển 24/24h, được phép ra/vào và đi qua các cung đường cấm của các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các khu vực đang có dịch bùng phát…

Đối với tài xế, nhân viên đi cùng đã thực hiện đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn phòng, chống dịch được vận chuyển, cung ứng, lắp đặt trang thiết bị y tế và đặc biệt là oxy y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn hoặc tới các địa bàn đang có dịch bệnh.

* Đôn đốc củng cố Khoa hồi sức tích cực điều trị COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Thủ trưởng các đơn vị hết sức khẩn trương triển khai nhiệm vụ được phân công theo Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng", chuẩn bị hệ thống oxy trung tâm, khí nén, khí hút, bồn chứa ô-xy… và giường bệnh hồi sức tích cực. Đồng thời, bố trí, sắp xếp lại hoạt động các khoa, phòng theo phương án "bệnh viện chia đôi", dành khoảng 60% giường bệnh để tiếp nhận người bệnh điều trị thường quy; dành khoảng 40% giường bệnh sẵn sàng cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh COVID-19 (theo đặc thù phạm vi hoạt động chuyên môn và cơ sở hạ tầng của từng bệnh viện). Cũng tại văn bản hoả tốc này, Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẩn trương triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia đặt tại cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

* Hai địa phương đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh công bố kiểm soát được dịch

Ngày 2/9, UBND Quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn. Đây là 2 địa phương đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh công bố kiểm soát được dịch bệnh khi đã thành công bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca mắc mới và có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng cao.

Để tiếp tục giữ vững thành quả trong phòng, chống dịch, Quận 7 sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung đẩy mạnh tiêm vaccine, hoàn tất mũi 1 và chuẩn bị kế hoạch để tiêm mũi 2 cho người dân. Phấn đấu đến ngày 15/9, 100% người dân trên 18 tuổi của quận được tiêm vaccine mũi 1 và từ 15-20% được tiêm mũi 2. Đồng thời, hoàn tất công tác xét nghiệm đối với các khu vực "vùng xanh" và "vùng vàng".

Tại huyện Củ Chi, nhằm giữ vững "vùng xanh", huyện đã tiến hành thần tốc việc xét nghiệm tầm soát, đến nay đã hoàn tất công tác lấy mẫu lần 1 tại 3 khu vực đỏ, cam, vàng và đang thực hiện xét nghiệm vòng 2. Huyện cũng thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó". Để tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, huyện Củ Chi đề nghị Thành phố phân bổ thêm nguồn vaccine, phấn đấu đến 15/9, 100% người dân trên 18 tuổi của Củ Chi được tiêm mũi 1 và 30/9 tiêm mũi 2 cho 70% nhằm thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

* Sau 6/9, Hà Nội thiết lập 3 vùng theo mức độ nguy cơ của dịch

Thông báo số 480-TB/TU ngày 1/9/2021 của Văn phòng Thành ủy Hà Nội về "Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố" nêu rõ: Ban Thường vụ Thành ủy biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của thành phố theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, trong đó thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc Sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam Thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để; tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ" bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

P. V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm