Ông Y’ Ky Niê dạy đám trẻ buôn Kram đánh chiêng tre. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa của buôn làng người Ê đê, giai điệu cồng chiêng gắn liền với cuộc sống của Y’Gõ Niê. Say mê cồng chiêng từ nhỏ, Y’Gõ Niê học đánh chiêng của những người già thông qua các lễ hội mừng lúa mới, cúng bến nước, lễ mừng thọ... Bằng đam mê và tình yêu đối với cồng chiêng, đến năm 20 tuổi chàng trai Y’Gõ Niê đã thành thạo cách đánh chiêng, trình diễn được nhiều bài chiêng truyền thống. Từ đó cồng chiêng càng gắn bó với Y’Gõ Niê.
Trước nhịp sống của xã hội hiện đại, văn hóa truyền thống cũng dần bị mai một, giai điệu cồng chiêng không còn vang vọng đêm ngày trong buôn làng. Những người đam mê cồng chiêng như Y’Gõ Niê luôn trăn trở về tương lai của văn hóa dân tộc. Xuất phát từ suy nghĩ phải giữ gìn bản sắc văn hóa của ông cha để lại, từ năm 1997, ông Y’Gõ Niê đã tự đứng ra tổ chức các lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong buôn. Ông đến từng gia đình trong buôn Kram để vận động người dân cho con em đi học đánh chiêng. Thời gian đầu, lớp học của Y’Gõ Niê thiếu thốn từ chiêng đồng, ánh sáng điện đến dùi gõ, ghế ngồi… thậm chí những học viên ở xa bố mẹ không có điều kiện đưa đi học, Y’Gõ Niê cũng lặn lội đưa đón các cháu tận nhà. Dù nhiều khó khăn nhưng bằng khát khao gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, Y’Gõ Niê đã duy trì lớp dạy cồng chiêng hơn 20 năm, từ lớp học đầu tiên với 12 học viên, đến nay ông Y’Gõ Niê cũng không nhớ hết số người từng được ông dạy chiêng từ nhỏ.
Ông Y’ Gõ Niê dạy đám trẻ buôn Kram đánh chiêng tre. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN |
Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ông Y’Gõ Niê được tặng bộ chiêng đồng để phục vụ việc giảng dạy và biểu diễn cồng chiêng, được cho mượn nhà cộng đồng của buôn Kram để tổ chức lớp học định kỳ trong mỗi dịp nghỉ hè. Ông Y’Gõ Niê chia sẻ, muốn đám trẻ trong buôn hăng say học đánh chiêng trước hết phải dạy cho các em ý nghĩa của văn hóa cồng chiêng đối với dân tộc Ê đê, các em nghe nhiều và cảm nhận được sự hấp dẫn của mỗi nhịp chiêng phát ra. Chính âm thanh cồng chiêng đánh thức tâm hồn của các em, từ đó tạo hứng thú trong việc học tập. “Niềm vui lớn nhất là chứng kiến đám trẻ trong buôn từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng qua các lớp học đã biết đánh thành thạo một số bài chiêng trong lễ mừng lúa mới, cúng sức khỏe, mừng sum họp... Quan trọng hơn là các thế hệ trẻ trong buôn đã ý thức về trách nhiệm của cá nhân trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để duy trì âm vang cồng chiêng, viết tiếp dòng chảy văn hóa của dân tộc trong tương lai”, ông Y’Gõ Niê nói.
Khi nói đến điều tâm đắc nhất, ông Y’Gõ Niê nhắc đến con trai của mình là Y’Ky Niê. Năm nay Y’Ky Niê mới 18 tuổi nhưng đã trở thành “người thợ” đánh chiêng điêu luyện với nhiều bài chiêng khó của người Ê đê. Hơn nữa, từ nhỏ đã theo cha trải qua các lớp dạy đánh cồng chiêng nên Y’Ky Niê rất tự tin đứng lớp truyền dạy lại kiến thức và kỹ năng đánh cồng chiêng cho đám trẻ trong buôn. Y’Ky Niê trở thành người trợ giảng đắc lực của ông Y’ Gõ Niê và đôi khi trở thành người dạy chính mỗi khi ông vắng nhà.
Được thừa hưởng niềm đam mê cồng chiêng và khao khát gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ người cha, Y’Ky Niê đã cùng đội chiêng trẻ của buôn Kram tham gia nhiều cuộc thi diễn tấu cồng chiêng và đạt được nhiều giải thưởng từ các cấp huyện, tỉnh đến các tỉnh khác như Kon Tum, Gia Lai, Bình Phước…
Tuấn Anh
TTXVN