Hơn 30 năm nay, cứ vào mỗi mùa Trung thu, người dân thành phố Hà Tĩnh lại thấy ông Trương Viết Dũng (70 tuổi, trú tại phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đứng bên chiếc xe máy trước công viên Lý Tự Trọng bán những chiếc đèn ông sao, đèn cá rực rỡ sắc màu.
Thời gian này, trong căn nhà nhỏ nơi 1 con hẻm trên phố Lý Tự Trọng (thành phố Hà Tĩnh) của ông Trương Viết Dũng ngập tràn sắc màu của đèn ông sao, đèn cá. Từng có thời gian ở trong quân ngũ, chiến đấu trên các chiến trường rồi trở về quê, trải qua nhiều nghề nhưng với tình yêu thương con trẻ và tấm lòng đau đáu khi nghĩ về ký ức của những mùa Trung thu gian khó, từ năm 1990, ông Dũng bắt đầu làm các loại đèn trung thu thủ công cho đến nay.
Ông Dũng chia sẻ: “Ký ức của những đêm trăng từ thời thiếu niên, theo các anh chị phụ trách đội đi làm đèn trung thu trong tôi không thể phai nhòa. Tôi biết làm đèn trung thu từ hồi đó. Hiện nay, giới trẻ không còn mặn mà với những chiếc đèn trung thu truyền thống nhưng tôi vẫn cố gắng giữ nghề với mong muốn giữ gìn ký ức về một Trung thu đậm đà bản sắc Việt”.
Cứ đến giữa tháng Bảy âm lịch hằng năm, ông Dũng lại hối hả vào “vụ đèn mới”. Để làm ra một chiếc đèn ông sao, ông Dũng phải đứng liên tục trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Trung bình, mỗi ngày ông làm được từ 1 đến 3 chiếc đèn ông sao loại 1 m đến 1,5 m. Với loại đèn cá, ông tốn nhiều thời gian hơn, khoảng một ngày mới hoàn thiện xong tất cả các khâu.
Đèn ông sao do ông Dũng làm với mặt giữa phía trước dán ảnh Bác Hồ; mặt sau dán 6 câu thơ về Bác Hồ và thiếu nhi. Theo ông Dũng, sinh thời Bác Hồ rất yêu thương thiếu niên nhi đồng nên ông muốn làm những chiếc đèn ông sao luôn có hình ảnh của Bác, để Bác luôn sống trong lòng dân tộc và thiếu nhi Việt Nam.
Khác với đèn ông sao, những vật liệu để làm đèn cá của ông Trương Viết Dũng làm đều từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường như: Tre nứa, bìa carton... Ngoài ra, ông Dũng còn có cách làm sáng tạo để vây cá, mắt cá cử động nên trẻ con rất yêu thích.
Ba mươi năm gắn bó với nghề nhưng không phải năm nào đèn Trung thu truyền thống cũng đắt hàng. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống, chưa bao giờ ông có ý định từ bỏ nghề làm đèn lồng truyền thống. Đèn lồng được ông làm đều đặn quanh năm, ngoài vụ đèn Trung thu, vào các dịp như Lễ Phật Đản, Giáng sinh hay Tết Nguyên đán, khách hàng tìm đến ông để đặt làm đèn lồng cũng khá đông, mỗi đợt ông bán từ 20 đến 30 chiếc.
Những năm gần đây, một số trường học, cơ quan công sở quan tâm, tìm đến đặt mua đèn nhiều hơn vào mỗi dịp Trung thu; là động lực thôi thúc giúp ông thêm quyết tâm giữ nghề. Mỗi chiếc đèn được làm thủ công, được ông Dũng chăm chút tỉ mẩn, sáng tạo, đảm bảo chắc bền, sử dụng được trong nhiều năm.
Những năm gần đây, mỗi mùa Trung thu ông bán được từ 40 đến 60 chiếc đèn loại 1 m đến 1,5 m với giá từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng mỗi chiếc. Nhiều khách hàng sau khi mua đèn chia sẻ lại hình ảnh trên mạng xã hội nên những người khác tìm đến mua ngày càng đông hơn. Không chỉ khách hàng ở thành phố mà cả ở những huyện xa như Can Lộc, Kỳ Anh… cũng tìm mua đèn. "Tôi cảm thấy rất vui vì mình đã góp một phần nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ sau này”, ông Dũng chia sẻ.
Vào dịp Trung thu mỗi năm, chị Phan Thị Hà, giáo viên mầm non ở thành phố Hà Tĩnh đều đến nhà ông Dũng mua đèn để tổ chức Ngày hội Trăm Rằm cho các cháu học sinh.
Chị Hà cho biết, không chỉ được chứng kiến sự cẩn thận, tâm huyết trong cách làm những chiếc đèn ông sao của ông Dũng, chúng tôi còn được ông kể cho nghe nhiều câu chuyện ý nghĩa xung quanh chiếc đèn ông sao và Tết Trung thu truyền thống. Giáo viên có nhu cầu cũng được ông Dũng tận tình chỉ dạy cách làm đèn để các cô dạy lại cho học sinh.
Khâm phục trước tấm lòng của ông Dũng, chị Hà chia sẻ: "Ông không chỉ tạo ra những chiếc đèn ông sao đậm nét truyền thống mà còn hướng con trẻ đến những điều tốt đẹp, lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc cho các thế hệ mai sau".
Hoàng Ngà