Ông Đẹt chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN |
Cách đây 30 năm, ông Đẹt lập gia đình riêng và phải đi làm thuê kiếm sống. Lúc đó, cuộc sống gia đình ông rất vất vả, chi tiêu "thiếu trước, hụt sau". Nhận thấy việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả, ông Đẹt bàn với vợ bán đôi bông tai là của hồi môn của cha mẹ để mua một con bò giống về nuôi. Nhờ chăm chỉ chăn nuôi, tận dụng nguồn cỏ dư thừa tại địa phương, đàn bò của gia đình ông ngày càng tăng. Ông đã bán bò giống cho những hộ xung quanh và lại đi mua bò về vỗ béo để bán bò thịt, kinh tế gia đình nhờ vậy ngày càng phát triển. Sau đó, gia đình ông Đẹt đã tích góp mua thêm 1,3 ha đất trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi bò. Nhận thấy các hộ nghèo trong ấp không có vốn phát triển sản xuất, ông Đẹt đã cho họ mượn bò sinh sản về để chăn nuôi. Sau đó 18 tháng, lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò được các hộ này giữ lại, ông chỉ lấy giá trị ban đầu của con bò lúc cho mượn. Sau đó, thấy việc nuôi bò thịt vỗ béo có lợi cao hơn, ông Đẹt đã cho các hộ vay vốn mua bò về nuôi vỗ béo. Trung bình mỗi con bò giống có giá khoảng 15 triệu đồng. Sau 18 tháng chăn nuôi, nông dân bán bò thịt sẽ trả lại cho ông Đẹt tiền gốc để ông tiếp tục cho người khác mượn mà không lấy lãi. Tiêu chí để ông Đẹt cho vay phát triển chăn nuôi rất đơn giản: Là người có hoàn cảnh khó khăn, cần vốn để phát triển chăn nuôi.
Ông Huỳnh Văn Đẹt giới thiệu về mô hình nuôi bò của gia đình. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN |
Không chỉ những hộ dân trong xã, mà những hộ ở ngoài địa phương cũng được ông cho mượn bò giống để chăn nuôi mà không tính tiền lãi, nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có tiền lo cho con ăn học. Một số hộ còn mua thêm đất để phát triển sản xuất. Bà Lương Thị Bé, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) cho biết: Gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, được gia đình ông Đẹt cho mượn một con bò về chăn nuôi. Do chăn nuôi hiệu quả nên sau một năm, bà Bé đã có tiền trả tương ứng với con bò đã vay cho ông Đẹt. Sau đó, gia đình ông Đẹt tiếp tục cho gia đình bà mượn thêm 2 con bò để chăn nuôi. Giờ đây, kinh tế gia đình bà Bé được khấm khá, bà đã lo cho con đi học nghề dược và hiện đã có việc làm ổn định. Hoặc trường hợp của ông Lê Văn Vui, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, nếu không có nguồn hỗ trợ từ ông Đẹt thì gia đình ông Vui không có vốn phát triển kinh tế để thoát nghèo. Nhờ được vay không tính lãi từ gia đình ông Đẹt, gia đình ông Vui đã có vốn để phát triển kinh tế. Lúc đầu ông vay mượn một con bò, sau đó mượn 4 con bò để chăn nuôi, sau đó chỉ cần trả nợ gốc cho ông Đẹt. Ông Vui cho biết, giờ đây gia đình ông đã thoát được cảnh nghèo, chuẩn bị xây nhà mới khang trang hơn. Đến nay, ông Đẹt đã cho nhiều trường hợp khó khăn ở địa phương mượn khoảng 170 lượt bò giống với số tiền hơn 2 tỷ đồng mà không hề tính lãi. Trong đó, tại xã An Định, từ năm 2015 đến nay, ông Đẹt đã cho 70 hộ mượn bò để phát triển chăn nuôi, sau đó 21 hộ đã thoát nghèo. Ông Lương Văn Phong, Chủ tịch UBND xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, ông Đẹt là một trong những điển hình nông dân sản xuất giỏi của xã. Việc ông Đẹt cho người nghèo vay, mượn bò để phát triển chăn nuôi và tích cực đóng góp xây dựng cầu, đường ở nông thôn có ý nghĩa góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Huỳnh Văn Đẹt còn là gương điển hình tiêu biểu trong thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở xã An Định.
Huỳnh Phúc Hậu