Ô nhiễm nghiêm trọng từ con suối chảy bao quanh huyện Phú Riềng

Đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc… là những gì người dân huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) và bất kỳ ai đi qua đều nhìn thấy và cảm nhận được từ suối Tân. Con suối chảy bao quanh huyện Phú Riềng được người dân địa phương miêu tả là không còn sự sống mỗi khi mùa mưa đến vì bị ô nhiễm nghiêm trọng.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430262.jpg
Nước Suối Tân chuyển thành màu đen như mực, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc kéo dài hàng chục cây số. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Dòng suối “đen” chảy quanh huyện Phú Riềng

Nhiều ngày qua, khi vừa bắt đầu vào mùa mưa, người dân huyện Phú Riềng, đặc biệt là những người sống quanh khu vực suối Tân lại tiếp tục bức xúc và lo lắng khi dòng suối kéo dài khoảng 30km này bị "bức tử". Dòng suối bất ngờ chuyển thành màu đen ngòm, ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ cần lưu thông qua những con đường có con suối đi ngang, người dân có thể nhìn thấy một màu đen như mực, thậm chí đặc quánh dài hàng chục km bao quanh huyện Phú Riềng.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430291.jpg
Nước Suối Tân chuyển thành màu đen, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc kéo dài hàng chục cây số. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, người dân xã Phước Tân, huyện Phú Riềng bức xúc: Thời gian qua cứ vào mùa cạo mủ cao su nước suối Tân thường xuyên đổi màu đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Theo anh Nhàn, tình trạng trên kéo dài nhiều năm nay nhưng không thấy chính quyền địa phương xử lý, khiến con suối càng ngày càng ô nhiễm.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430288 (1).jpg
Nước Suối Tân chuyển thành màu đen như mực, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc kéo dài hàng chục cây số. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

“Cũng mong chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, điều tra nguyên nhân, xử lý triệt để, chứ để lâu dài thiệt hại rất lớn về môi trường, kinh tế cũng như sức khỏe của người dân. Vì hiện tại, dòng nước này dùng để tưới tiêu cũng không được chứ đừng nói là dùng để sinh hoạt”, anh Nhàn kiến nghị.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430277.jpg
Nước Suối Tân chuyển thành màu đen như mực, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc kéo dài hàng chục cây số. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

“Trước đây suối Tân rất nhiều cá tôm. Đây là dòng suối chính phục vụ người dân địa phương sinh hoạt, tưới tiêu. Nhưng nhiều năm nay, suối Tân là một dòng nước đen xả thải, không ai còn sử dụng được. Nhìn dòng nước, chúng tôi không cảm nhận được một sự sống nào phía dưới, tôm cá cũng không thể sống nổi”, anh Nhàn đau xót.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430281.jpg
Nước Suối Tân chuyển thành màu đen, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc kéo dài hàng chục cây số. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Tân Bình, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng cho biết, gia đình chị sống gần khu vực suối Tân từ xưa tới nay. Trước kia, Suối Tân không ô nhiễm thế này nhưng mấy năm nay dòng suối càng ngày càng ô nhiễm, mùi hôi bốc lên nồng nặc có khi cả mấy cây số vẫn còn thấy mùi.

Cũng theo chị Hằng, người dân địa phương liên tục phản ánh nhưng không hiểu sao dòng suối càng ngày càng ô nhiễm. “Thật sự rất bức xúc, không chỉ hiện tại mà tương lai thế hệ sau này. Về lâu dài, chúng tôi lo lắng nước suối sẽ ngấm vào mạch nước ngầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em, người già ở địa phương”, chị Hằng bức xúc.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430264.jpg
Nước Suối Tân chuyển thành màu đen như mực, đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc kéo dài hàng chục cây số. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Nghi nhà máy chế biến mủ cao su xả thải

Theo người dân địa phương, nguyên nhân suối Tân bị bức tử nghi bắt nguồn từ một nhà máy chế biến mủ cao su nằm trên đường ĐT 741 (thuộc xã Long Hưng, huyện Phú Riềng), khu vực đầu nguồn, nơi suối Tân chảy qua.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430297.jpg
Dòng suối phía sau giáp với nhà máy chế biến mủ cao su L.H ngoài màu đen, bề mặt nước còn nổi lên váng trắng. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Lần theo hoài nghi của người dân, chúng tôi đi theo dòng suối đến phía sau nhà máy chế biến mủ cao su, không khó để nhận thấy khu vực này còn bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Ngoài màu đen đặc sánh phía dưới, trên bề mặt nước nổi lên những váng trắng giống như váng mủ cao su. Cách một vài điểm lại xuất hiện những lớp bọt màu trắng đục bị dồn lại, nhô lên cao hơn so với mặt nước.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tai_dong_suoi_chay_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430295.jpg
Khu vực phía sau nhà máy chế biến mủ cao su L.H. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Lê Văn Chung, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Riềng cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước tiến hành kiểm tra xử lý. Chiều 13/6, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra xử lý.

vna_potal_bao_ve_moi_truong_o_nhiem_nghiem_trong_tu_dong_suoi_chay_bao_quanh_huyen_phu_rieng_binh_phuoc_7430261.jpg
Dòng suối phía sau giáp với nhà máy chế biến mủ cao su L.H ngoài màu đen, bề mặt nước còn nổi lên váng trắng. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Theo người dân địa phương, suối Tân chảy dài khoảng 30km qua địa bàn các xã Phước Tân, Long Hưng, Bù Nho và Phú Riềng. Con suối chảy “lộ thiên” cắt qua nhiều tuyến đường chính và đổ ra dòng sông Bé. Thế nhưng, không hiểu lý do vì sao, nhiều năm nay, con suối càng ngày càng bị "bức tử" nghiêm trọng. Đỉnh điểm là đầu mùa mưa năm nay, dòng nước suối đổi màu đen đặc quánh dài hàng chục km nhưng chính quyền huyện Phú Riềng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để, để trả lại sự sống cho dòng suối.

Đậu Tất Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm