Hộ chị Thị Chành Thu (xã Phú Lợi, huyện Giang Thành) vay vốn ngân hàng chính sách chăn nuôi bò phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Hiện dự án nuôi bò của Kiên Giang thực hiện theo phương thức “vết dầu loang”, đầu tư bò giống trực tiếp và thu hồi sản phẩm giao cho những hộ khác nuôi tiếp nên được nhân rộng ra và ngày càng nhiều hộ dân được hưởng lợi từ dự án. Cụ thể, dự án cải thiện sinh kế nông hộ nghèo ở huyện Giồng Riềng được triển khai ở hai xã Bàn Thạch và Bàn Tân Định. Đối tượng của dự án là những nông dân nghèo, đồng bào dân tộc Khmer thiếu vốn và kiến thức để sản xuất, nhưng có lao động, chí thú làm ăn và có nhu cầu chăn nuôi bò sinh sản. Dự án này có 300 nông hộ tham gia được nhận 300 con bò cái sinh sản từ 15 - 20 tháng tuổi, trọng lượng bình quân từ 160 - 180 kg/con và 8 con bò đực giống laisin để phối giống cho đàn bò sinh sản vùng dự án. Cùng với nhận bò giống, nông dân tham gia được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, xây dựng giếng bơm tay, vay vốn phát triển sản xuất nhỏ, xây dựng mô hình trồng cỏ giống và nuôi trùn quế để nhân rộng. Nhờ chọn con giống đạt phẩm chất tốt, tiêm phòng đầy đủ và chăm sóc tốt, nên qua 5 năm thực hiện dự án cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở xã Bàn Thạch và Bàn Tân Định cho thấy, đàn bò ở đây phát triển tốt và ít bị bệnh. Từ đàn giống ban đầu, đến nay đã sinh được 396 bê con và đã triển khai thêm 166 con bò cho 163 hộ nghèo ở địa phương nuôi tiếp. Số bò này hiện có 103 con đã phối giống và sinh sản thêm 36 bê con. Song song với việc chuyển giao bò cái sinh sản, để bà con nghèo hưởng lợi, Ban quản lý dự án còn phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 20 nhóm tương trợ sản xuất ở hai xã này. Đến nay, tổng số tiền của hai nhóm tương trợ này đã tăng lên gần 600 triệu đồng. Theo ông Danh Dũng, ngụ xã Bàn Thạch, từ khi nhận bò giống, đến nay con bò giống ban đầu đã sinh được 4 con bê, sau khi trả lại dự án còn lại 3 con. Qua đó, từ dự án này mang lại nhiều lợi ích cho bà con. Ngoài việc có thêm bò để nuôi, gia đình anh Danh Dũng còn biết kiến thức thêm nghề chăn nuôi heo, gà, cá để phát triển kinh tế gia đình. Theo bà Đặng Khánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, lúc triển khai đàn bò trong hai xã này rất ít, qua hơn 5 năm số bò tăng lên khá nhiều. Điều quan trọng hơn, đến giờ các hộ xung quanh nằm ngoài dự án sinh kế cũng đầu tư nghề nuôi bò, nên đây là dự án được đánh giá khá thành công. Bà con tận dụng được thời gian nhàn rỗi để chăn nuôi bò. Hơn 5 năm qua, dự án còn mở gần 500 lớp tập huấn cho cho nông dân ở đây, bao gồm kinh tế hộ, kỹ thuật chăn nuôi bò, chăn nuôi gà, vịt, cá và cả hoa màu. Bà Nguyễn Kim Nương, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng cho biết, dự án cải thiện sinh kế nông hộ nghèo được triển khai ở hai xã Bàn Thạch, Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng những năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hai xã này, đồng bào dân tộc Khmer chiếm khá đông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Thế nhưng, từ khi triển khai thực hiện dự án, ngoài việc bà con được nhận hỗ trợ từ bò giống, giờ đã có bò và bê tiếp tục nuôi để nhân rộng đàn bò lên, nhiều nông dân Khmer ở đây đã biết cách làm ăn. Trong đó phải kể đến việc trồng màu, nuôi cá quanh đất sau nhà đã cải thiện được cuộc sống và giờ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, có nhiều hộ khả giả. Đây là dự án rất khả thi, với đà này, vài năm nữa ở hai xã có đông đồng bào dân tộc Khmer ở Bàn Thạch và Bàn Tân Định xóa được nghèo và sẽ cán đích trong xây dựng nông thôn mới. Với phương thức “vết dầu loang”, đầu tư bò giống trực tiếp và thu hồi sản phẩm giao cho những hộ khác nuôi tiếp, nên dự án cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở hai xã Bàn Thạch và Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng cứ tiếp tục được nhân ra và ngày có nhiều người dân trong cộng đồng được hưởng lợi từ dự án mang lại. Điều đáng ghi nhận là trong vùng dự án, bà con ở đây không chỉ được hỗ trợ về con giống, còn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ quỹ tiết kiệm, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Lê Sen