Lai Châu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng

Lai Châu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng
Cổng vào bản Lao Chải 2, xã Khun Há ( Lai Châu). Ảnh: Công Tuyên - TTXVN
Cổng vào bản Lao Chải 2, xã Khun Há ( Lai Châu). Ảnh: Công Tuyên - TTXVN
Bản Lao Chải 1, xã Khun Há là một trong ba bản của huyện Tam Đường đang thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như lợi ích từ việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển du lịch cộng đồng. Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, nhân dân trong bản đã họp bàn và thống nhất góp ngày công, hiến đất để xây dựng đường giao thông nội bản; góp tiền để mua hoa, cây cảnh về trồng tạo cảnh quan, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, có bãi chăn thả gia súc... Những việc làm đó vừa góp phần thực hiện tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thu hút khách du lịch đến thăm quan, giúp bà con có thêm thu nhập để xóa đói giảm nghèo. Ông Cứ A Vàng, Trưởng bản Lao Chải 1, xã Khun Há cho biết, thực hiện chủ trương của xã, huyện về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi đã tiến hành họp bản và tuyên truyền với bà con là xây dựng nông thôn mới chính là xây dựng bản xanh, sạch, đẹp, người được hưởng lợi trực tiếp chính là người dân. Sau đó, bà con đã thống nhất mỗi hộ góp 1,5 triệu đồng trích từ tiền dịch vụ môi trường rừng để mua vật liệu, góp ngày công để xây dựng đường giao thông nội bản; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Đồng thời, người dân trồng hoa, cây cảnh, trang trí cổng nhà, dựng chòi lá để du khách ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh... “Trước đây, lợn, gà hay các sản phẩm do người dân bản Lao Chải 1 làm ra muốn mang đi tiêu thụ rất khó khăn. Từ khi, bản được xây dựng xanh, sạch, đẹp, rất nhiều khách du lịch vào đây tham quan. Những cây trồng, vật nuôi hay sản phẩm do bà con trong bản làm ra được du khách mua luôn tại chỗ. Hiện nay, đời sống của 36 hộ trong bản Lao Chải 1 không ngừng được nâng lên. Điều kiện kinh tế của các hộ nói chung đều khá giả hơn trước”, ông Cứ A Vàng chia sẻ thêm. Bà Vũ Thị Sỏi, một du khách đến từ tỉnh Yên Bái chia sẻ: Tôi lên đây du lịch được 4 ngày rồi. Ở đây, khí hậu rất trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Con người nơi đây cũng rất thân thiện, gần gũi. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những mô hình và chậu hoa, cây cảnh được bà con xây dựng và trồng dọc các con đường trong bản, rất mộc mạc, đơn sơ nhưng mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở Tây Bắc. Theo ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há, quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Khun Há có nhiều mặt thuận lợi như: Người dân nhiệt tình ủng hộ chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện. Họ đã tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức, tập trung xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, loại bỏ một số phong tục tập quán không còn phù hợp với đời sống hiện nay... Đến nay, 8/15 bản ở Khun Há có môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là tiền đề cho việc phát triển du lịch cộng đồng của xã Khun Há nói riêng và huyện Tam Đường nói chung. Ông Cứ A Sở cho biết thêm, phát triển du lịch cộng đồng không những tạo việc làm, giúp người dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào các bản có điều kiện thuận lợi, hướng tới hình thành tour du lịch khám phá bản sắc cũng như truyền thống của đồng bào người Mông tại địa bàn xã. Đồng thời, xã thành lập một Ban Quản lý để hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn cho bài bản, hiệu quả và thực sự mang được nguồn thu trực tiếp cho người dân. Theo Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Từ Hữu Hà, Tam Đường là huyện đầu tiên được tỉnh Lai Châu lựa chọn để triển khai xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, 5/13 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Để thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện. Đầu tiên là thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, trong đó đi sâu vào phong trào xây dựng điện sáng nông thôn, nông thôn xanh, sạch, đẹp. Hiện toàn huyện có 117 bản có điện sáng nông thôn đến tận ngõ bản, trục bản; 42 bản nông thôn xanh, sạch, đẹp. Trong đó, ba bản đã thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, mời các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cá nhân đến tham quan và tham gia góp ý vào phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường hỗ trợ liên doanh, liên kết với bà con phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp. Đồng thời, huyện tổ chức cho các xã khác, các điểm bản khác đến tham quan, học hỏi mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại các điểm bản hiện nay đã có hiệu quả như: bản Lao Chải 1 (xã Khun Há), bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), bản Phiêng Tiên (xã Bản Bo). Huyện tiếp tục tập trung các nguồn lực để hỗ trợ cho bà con như xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; hỗ trợ cây hoa, cây cảnh; quy hoạch và hướng dẫn bà con xây dựng bản đẹp hơn; tăng cường bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các cháu học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông, kể cả các trường chuyên nghiệp chưa có việc làm được tạo điều kiện sang Sapa (Lào Cai) học ngoại ngữ, cách phục vụ, hướng dẫn du lịch..., để phục vụ cho công tác phát triển du lịch tại địa phương. Phong trào xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng đang là sự lựa chọn hiệu quả của nhiều bản có thế mạnh du lịch ở Lai Châu. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện đã tạo sự đồng thuận và ý thức tự vươn của người dân. Cùng với đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tạo đà cho công tác giảm nghèo ở địa phương.
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm