Sản xuất nông sản, hoa và cây cảnh để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán luôn được nông dân tỉnh Quảng Trị xem như vụ chính, bởi mang lại nguồn thu nhập cao. Có điều khác với những vụ Tết trước đây, vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu này nông dân đang gặp chồng chất khó khăn khi vừa trải qua đợt lũ lụt lịch sử, bây giờ lại là rét đậm, rét hại.
Nỗ lực để có nông sản bán dịp Tết
Rau xanh luôn được nông dân tỉnh Quảng Trị chú trọng sản xuất do cho thu nhập thường xuyên. Còn việc tiêu thụ thì vào dịp Tết rau xanh thường “cung không đủ cầu”. Các trận lũ lụt lịch sử vào tháng 10 vừa qua đã khiến tỉnh Quảng Trị mất trắng gần 3.500 ha rau màu. Ngay sau lũ lụt, nông dân tập trung cải tạo đồng ruộng khôi phục sản xuất rau màu. Tuy nhiên rét đậm, rét hại kèm theo mưa đang khiến nhiều nông dân có nguy cơ thất thu trong vụ Tết này.
Tiết trời rét đậm, nhiệt độ xuống chỉ còn 10 – 12 độ C kèm theo mưa phùn khiến cái lạnh thêm tê tái, nhưng bà Nguyễn Thị Thật, 51 tuổi, ở thôn Bích Lộc Tiêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong vẫn ra đồng làm 300m2 đất để trồng các loại rau ngắn và cực ngắn ngày như xà lách, mùi, cải nhỏ. Bà Thật vừa thu dọn xong lượng lớn cát, sỏi vùi lấp vườn rau do các đợt lũ lụt hồi tháng 10 vừa qua năm ngoái gây ra. Đôi bàn tay của bà Thật vốn đã chai sạn, nay tím tái vì dầm trong mưa rét.
Bà Thật chia sẻ, vụ Tết năm nay nông dân gặp rất nhiều khó khăn, do lũ lụt đã cuốn trôi hết rau màu mới gieo trồng. Hết lũ thì rét đậm kèm theo mưa liên tục khiến việc tái sản xuất thêm bất lợi. Mấy ngày nay, nông dân chỉ ra đồng làm một lúc vào buổi trưa cho đỡ rét, mà có muốn làm lâu hơn cũng không được do chân tay lạnh cóng. Bà con lo nhất là rét đậm và mưa kéo dài khiến hạt rau gieo xuống khó nảy mầm. Mà có nảy mầm được thì cây rau cũng phát triển chậm khó mà kịp thu hoạch vào dịp Tết.
Những người làm nghề chăn nuôi cũng đang vào vụ Tết với đối tượng nuôi chủ yếu là gà. Các trận lũ lụt vừa qua đã cuốn trôi hầu hết số gia cầm, gia súc ở các địa phương vùng thấp trũng của tỉnh Quảng Trị, với trên 766.000 con gia cầm và 8.700 con gia súc.
Những ngày rét đậm này, ông Hồ Văn Hiếu, 63 tuổi, xã Thanh An, huyện Cam Lộ đã phải mua thêm ni lông về che chắn gió cho khu chuồng nuôi 100 con gà; đồng thời lắp thêm bóng điện để sưởi ấm cho gà. Lứa gà 100 con này, ông Hiếu thả nuôi hồi đầu tháng 11 vừa qua khi lũ vừa rút.
Ông Hiếu nhẩm tính, đến giáp Tết mỗi con gà có trọng lượng khoảng 1 – 1,2 kg là vừa kịp bán. Năm nay, nguồn cung gà cho thị trường Tết không nhiều nên có thể bán được giá. Nhiều người đã đến tận chuồng để đặt mua hết số gà này nhưng gia đình chưa nhận lời ai cả.
Những hộ sản xuất nông sản vụ Tết ở vùng miền núi Quảng Trị thì còn gặp nhiều khó khăn hơn ở vùng đồng bằng, do có rét hại khi nhiệt độ đã xuống dưới 10 độ C. Huyện miền núi Hướng Hóa có vùng chuyên canh chuối mật mốc nổi tiếng với khoảng gần 4.000 ha tập trung ở các xã như: Tân Long, Thuận, Hướng Lộc. Đợt lũ lụt lịch sử vừa qua đã khiến một nửa diện tích chuối ở Hướng Hóa bị gã, đổ khiến người dân thiệt hại nặng.
Xã Tân Long là “thủ phủ” chuối của huyện miền núi Hướng Hóa với diện tích lên đến trên 2.100 ha, doanh thu từ cây chuối bình quân khoảng 120 tỷ đồng/năm. Vào mỗi dịp gần Tết Nguyên đán chợ chuối Tân Long lại nhộn nhịp, khi thương lái từ khắp cả nước đổ về thu mua chuối. Như nhiều hộ trồng chuối khác, rét hại kéo dài khiến ông Hồ Văn Tâm, ở thôn Long Phụng, xã Tân Long thêm lo lắng cho vườn chuối đang cho quả, dự kiến kịp bán vào dịp Tết Tân Sửu.
Theo ông Hồ Văn Tâm, ngay sau lũ lụt bà con đã tập trung khắc phục diện tích chuối bị ngã, đổ. Tuy nhiên,nhiều diện tích chuối không khôi phục được phải phá bỏ để trồng mới lại. Diện tích khôi phục được bà con tập trung chăm sóc để có chuối quả bán vào dịp Tết. Nhưng năm nay xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của loại cây trồng lấy quả này.
Ngay sau lũ lụt, tỉnh Quảng Trị đã tập trung hỗ trợ cây, con giống để nông dân khôi phục sản xuất cho kịp cho có thu nhập vào vụ Tết và trong cả vụ Đông Xuân 2020 – 2021. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe, với sự hỗ trợ của Trung ương và của địa phương, đến nay về giống cây trồng, vật nuôi đã cơ bản đáp ứng đủ để bà con nông dân khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân 2020 – 2021 và trước mặt là có sản phẩm bán trong dịp Tết Tân Sửu để có thu nhập.
Dồn sức chăm hoa, cây cảnh
Hoa và cây cảnh luôn mang lại nguồn thu nhập lớn cho các nhà vườn mỗi khi Tết đến Xuân về. Làng hoa An Lạc, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà có nghề truyền thống trồng hoa nổi tiếng trong nhiều năm qua. Vào khoảng tháng 9 hàng năm, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, người dân làng hoa An Lạc bắt đầu triển khai trồng và chăm bón khoảng hơn 40.000 chậu hoa các loại như: cúc, đồng tiền, thược dược, hồng, giấy, mai dạ thảo, bát tiên...
Tuy nhiên, mưa lũ hồi tháng 10/2020 đã khiến hàng chục nghìn chậu hoa bị chết, làm cho người trồng hoa lâm cảnh lao đao. Để có hoa cung ứng cho thị trường vào dịp Tết, ngay sau lũ lụt người dân làng An Lạc bắt tay ngay vào việc trồng lại nhiều loại hoa ngắn ngày như: vạn thọ, mai địa thảo, hoa xác pháo...
Tuy nhiên, giải pháp trồng các loại hoa ngắn ngày cũng chưa chắc giúp người dân có thu nhập vào dịp Tết, bởi rét đậm kéo dài rất bất lợi cho hoa phát triển. Ông Lê Châu Hoàng, 50 tuổi, trồng hàng trăm chậu hoa cúc, vạn thọ, thược dược ở làng hoa An Lạc cho biết, một vụ hoa Tết có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Thời điểm này rất quan trọng cho sự phát triển của cây hoa, nhưng nhiệt độ lại xuống thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, khiến cây hoa chậm phát triển, thậm chí bị chết.
Nhiều chủ vườn trồng hoa khác cho biết, hầu như ngày nào cũng tiến hành thắp đèn điện, che mái bằng ni lông, bón thúc cho từng chậu hoa, mong cây hoa phát triển nhanh và có hoa nở đúng vào dịp Tết. Nhưng dường như mọi cố gắng của họ đang không hoặc đem lại ít hiệu quả so với mong muốn, bởi sự khắc nghiệt của thiên tai.
Ngoài hoa thì cây mai vàng cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vào dịp Tết. Để mai bán được giá, nhiều hộ trồng mai đã phải chăm sóc suốt nhiều tháng, với mong muốn cho ra hoa đúng dịp Tết. Nhưng năm nay, nhiều hộ trồng mai đã gặp bất lợi “kép” gồm lũ lụt và rét đậm kéo dài, khiến mai có thể không bung nở khoe sắc vào dịp Tết.
Ông Bùi Viết Lê ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong có nhiều năm chăm mai để bán vào dịp Tết chia sẻ, việc mai có dáng đẹp và hoa nở rộ, cánh dày, sắc thắm đúng dịp Tết hay không, ngoài việc thực hiện đầy đủ biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, thì thời tiết vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nếu thời tiết xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài thì dù dùng các biện pháp kỹ thuật can thiệp như thuốc kích thích, thắp điện… cũng không mang lại nhiều hiệu quả.
Nguyên Lý