Nông dân Cù lao Dung Sóc Trăng thu hoạch mía. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN |
Huyện Cù Lao Dung từ lâu được coi như “thủ phủ” trồng mía của tỉnh Sóc Trăng, nhưng từ vài năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm sâu khiến người dân không còn mặn mà với loại cây trồng truyền thống này. Hiện giá mía cây tại ruộng đang ở mức thấp kỷ lục trong khi thời điểm giá cao nhất vài năm trước trên 1.000 đồng/kg.
Theo ông Lê Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, hiện người dân trồng mía ở Cù Lao Dung đang gặp khó khăn rất lớn do giá mía xuống rất thấp. Giá mía nguyên liệu mua tại nhà máy ở mức 800 đồng/kg loại mía 10 chữ đường. Còn thương lái mua tại ruộng chỉ từ 200-300 đồng/kg. Sở dĩ khoản chênh lệch lớn là do bà con phải trả công thu hoạch và chuyển tới tận nhà máy với mức giá thấp như vậy và đa phần người trồng mía năm nay bị lỗ.
Nông dân Trần Vũ Lan, ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng cho biết, năm nay gia đình ông trồng khoảng 12 công mía (1,5ha), nhưng cũng giống như năm trước, lại lỗ nữa vì giá mía quá rẻ mà nhân công lại cao, hiện tại thương lái đến tại ruộng thu mua 200-300/kg nên lỗ trung bình khoảng 2 triệu đồng/công (1.300m2).
Do giá mía thấp từ 2-3 niên vụ trước, một số hộ trồng mía ở Cù lao Dung đã giảm diện tích trồng mía, chuyển đổi dần sang trồng cây ăn trái hoặc rau màu, thủy sản khác.
Ông Nguyễn Quang Chiến, ở xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có vài ha đất, trước trồng mía lỗ quá nên vụ mía năm nay ông vừa trồng mía vừa xen nuôi tôm. Do hai mô hình này trái ngược nhau nên sắp tới sẽ bỏ hẳn trồng mía để chỉ nuôi tôm vì hai loại cây, con này không bổ trợ cho nhau được, nuôi tôm thì nước mặn, còn trồng mía thì nước ngọt, nên cây mía chậm lớn.
Từ diện tích gần chục nghìn ha mía của năm 2010, đến nay diện tích mía của “thủ phủ” trồng mía ở Sóc Trăng chỉ còn hơn 5.100 ha. Phần lớn diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản, rau màu, nhưng nhiều hộ hiện cũng chưa biết phải chuyển đổi gì cho hiệu quả. Bởi vì với tâm lý của người nông dân là “sợ” sự thay đổi, phần vì không có vốn để chuyển đổi cây trồng khác.
Cũng theo lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, diện tích mía trong những năm gần đây giảm dần do định hướng chuyển đổi của huyện. Địa phương đã quy hoạch vùng sản xuất để bà con chuyển cây trồng vật nuôi như xa tiếp giáp gần biển thì hướng bà con sang nuôi trồng thủy sản, vùng nước lợ thì hướng bà con sang 1 phần nuôi thủy sản, 1 phần trồng cây ăn trái, chủ yếu là trồng dừa vì cây dừa có thể chịu mặn cao lên tới 4-5/phần ngàn; còn phần tương đối ngọt thì hướng cho bà con trồng các loại cây ăn trái như xoài, bưởi, nhãn ido…
Đến thời điểm này, ở Sóc Trăng còn duy nhất huyện Cù lao Dung còn mía thu hoạch, khoảng 2.500 ha. Với giá mía thấp như hiện nay, diện tích mía những năm tới sẽ còn giảm nữa. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, địa phương đã và đang tranh thủ các nguồn vồn lồng ghép và vốn hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp để hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón, đầu tư giúp nông dân chuyển đổi từ trồng mía kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái khác như bắp, đậu nành rau, nuôi thủy sản…
Trung Hiếu