Hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban Quản lý chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã phối hợp với các tổ chức trên địa bàn tuyên truyền, vận động các tiểu thương kinh doanh tại chợ hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng các loại lá chuối tươi, lá sen tươi để bao gói sản phẩm. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Mô hình “Chi hội Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon” Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã ra mắt mô hình “Chi hội Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon” tại Chi hội Đội 2, xã Mường Báng với 62 thành viên tham gia. Mô hình này là giải pháp đầu tiên làm giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải từ túi nylon thải ra môi trường sống hiện nay. Tủa Chùa là một huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, cuộc sống của người dân còn khá lạc hậu, kinh tế kém phát triển. Song tình trạng người dân sử dụng túi nylon, một số vật dụng bằng nhựa dùng một lần như ống mút, cốc, bát… diễn ra phổ biến. Trong khi đó, ý thức thu gom, phân loại rác tại nguồn của người dân còn hạn chế. Hưởng ứng phong trào “Phòng chống rác thải nhựa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên phát động, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa đã tổ chức khảo sát và chỉ đạo xây dựng mô hình “Chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon” tại Chi hội đội 2, xã Mường Báng với 62 thành viên. Tận dụng các tấm bạt in pano, áp phich, maket đã qua sử dụng, xin từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, các chị đã khéo léo làm thành những chiếc túi xinh xắn, tiện dụng dùng để đi chợ đựng thức ăn, rau, củ quả thay thế cho việc sử dụng rất nhiều túi nylon để đựng thực phẩm. Ngoài mô hình tại đội 2, xã Mường Báng, các Chi hội Phụ nữ huyện Tủa Chùa cũng đã mạnh dạn, sáng tạo hưởng ứng phong trào, tiêu biểu như Hội Phụ nữ thị trấn với nhóm sở thích “Dùng làn đi chợ” tại Chi hội tổ dân phố Quyết Thắng với 12 thành viên. Từ các mô hình cụ thể, những việc làm thiết thực, các chi hội Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động hội viên hạn chế sử dụng túi nylon; thay đổi thói quen của người dân trong việc thường xuyên sử dụng túi nylon để đựng đồ ăn, đồ sinh hoạt; thực hiện phân loại rác thải, vận động chị em phụ nữ tham gia giữ gìn vệ môi trường, đảm bảo đổ rác đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và nơi công cộng."Nói không” với rác thải nhựa Không chỉ thường xuyên mang làn đi chợ, thu gom phế liệu bán lấy tiền gây quỹ mà còn vận động gia đình, người thân cùng "nói không" với rác thải nhựa... Các hội viên Hội Phụ nữ quận Hà Đông - thành phố Hà Nội đang nỗ lực tiên phong trong phong trào này. Việc làm đó đã thành thói quen của các hội viên. Mỗi khi đi chợ, phụ nữ ở tổ dân phố 12, phường Quang Trung, quận Hà Đông đều mang theo làn, hộp... để đựng đồ thay vì túi nylon. Mô hình điểm ở tổ dân phố12 hiện được nhân rộng trong toàn phường. Để khuyến khích hội viên, từ năm 2012 đến nay, Hội tặng hơn 1.700 làn cho hội viên và khoảng 90% số hội viên được tặng làn đã thường xuyên sử dụng khi đi chợ. Hội Phụ nữ quận Hà Đông đã xây dựng mô hình chống rác thải nhựa tại 100% cơ sở Hội; tập trung tuyên truyền đến hội viên tác hại cùng giải pháp cụ thể nhằm hạn chế rác thải nhựa, như không sử dụng túi nylon, ống hút, chai nước, hộp cơm, bát, đĩa, cốc, thìa nhựa... khi không cần thiết. Ngoài ra, các cơ sở Hội huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa mua gần 3.000 làn nhựa tặng hội viên để đi chợ… Hội còn thực hiện phong trào “Thu gom phế liệu, đổi lấy màu xanh”. Theo đó, hội viên đã chủ động gom phế liệu, rác thải nhựa trong gia đình rồi mang đến điểm thu gom của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố tập kết để bán gây quỹ. Từ đầu năm 2019 đến nay, riêng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 7 đã tổ chức 4 đợt thu gom và bán được 5,6 triệu đồng.Những cách tái sử dụng túi nylon Để giảm thiểu nguy hại do sử dụng túi nylon gây ra cho môi trường sinh thái, người tiêu dùng “thông thái” nên tái sử dụng một cách hiệu quả ngay từ bây giờ. Nếu đi biển, hãy mang theo một vài túi nylon đã qua sử dụng để bỏ rác của mình hoặc cũng có thể thu gom rác thải bên bờ biển, ít nhất là tại nơi bạn có ý định tắm biển. Hãy kêu gọi mọi người cùng hưởng ứng ủng hộ và làm sạch môi trường biển. Ngoài ra, cùng với một vài túi nylon đã qua sử dụng, chúng ta cũng có thể góp phần làm sạch khu phố nơi mình sinh sống hoặc trên đường dã ngoại đường dài, hay có thể tận dụng túi nylon đã qua sử dụng còn lành lặn để bọc đồ chuyển phát có giá trị, đồng thời cũng nên yêu cầu người nhận làm điều tương tự. Các siêu thị sử dụng các loại túi nylon mỏng để đựng rau, củ, quả và các sản phẩm khác. Do vậy, có thể tái sử dụng các túi ni nylon thông thường để thay thế cho các loại túi nylon mỏng này. Nếu sau một lần sử dụng túi bị ướt, bạn có thể treo nó lên cho khô để sử dụng cho các lần tiếp theo. Trường hợp có con nhỏ hoặc tính hay bừa bộn, hãy tận dụng các túi nylon nhỏ đã qua sử dụng để đựng các đồ ướt (khăn, quần áo) sau khi lau chùi cho bé. Khi dọn dẹp nhà vệ sinh mà chẳng may hết hoặc không thấy găng tay cao su, có thể tận dụng túi ni lông đã qua sử dụng hoặc cái bọc nylon vốn dùng để bọc thức ăn để thay thế mà không sợ nước tẩy rửa làm hỏng da tay bạn. Cũng có thể tận dụng túi nylon đã qua sử dụng còn lành lặn lót vào trong bình hoặc lọ hoa nứt. Làm như vậy vừa tiết kiệm túi nylon, mà lọ hoa hay bình nứt vẫn có thể tiếp tục sử dụng mà bị rò chảy nước ra ngoài. Tận dụng túi nylon đã qua sử dụng còn lành lặn để làm đệm, gối cho trẻ em nghèo đang không có đệm nằm, phải nằm dưới đất trong điều kiện giá lạnh. Đó là cách mà một cư dân người Mexico đã làm. Có thể dùng túi nylon để bọc đệm, gối cũ bị rách hoặc nhồi bông vào để thành một chiếc đệm, gối mới và tận dụng điều này để làm ổ cho thú cưng của mình mỗi khi đông về.
Nhật Minh