Mùa khô năm 2019-2020, nước mặn xâm nhập sớm với nồng độ mặn cao và thời gian mặn kéo dài hơn so với những năm trước đã làm cho nhiều diện tích cây ăn trái của tỉnh Vĩnh Long bị thiệt hại. Nhiều vườn chôm chôm, sầu riêng bị suy kiệt, héo lá, thậm chí chết cây, gây ảnh hưởng lớn cho thu nhập của người dân. Hiện tại, độ mặn tại các sông trên địa bàn đã giảm và cũng đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa giúp cho cây ăn trái được “giải nhiệt” sau thời gian dài bị thiếu nước do ảnh hưởng của hạn, mặn. Nông dân các địa phương đang tích cực xử lý, chăm sóc để giúp vườn cây phục hồi.
Xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ có gần 600 ha vườn trồng chôm chôm. Trong đợt hạn mặn vừa qua, toàn xã có gần 500 ha vườn chôm chôm của nông dân bị thiệt hại. Một số vườn cây suy kiệt hoàn toàn, nông dân phải đốn bỏ.
Theo ông Lê Văn Trí, ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, những năm trước, hơn 3.000 m2 trồng chôm chôm của ông cho thu hoạch 7-8 tấn/năm, trừ chi phí còn lãi gần 40 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay ông không thể thu hoạch được do hơn 60 gốc chôm chôm bị nhiễm mặn, héo lá, không thể xử lý để cho trái. Nhiều cây chôm chôm bị rụng lá, chết khô buộc lòng phải cưa bỏ. “Hôm trước tôi mới cưa bỏ gần 10 cây do cây bị kiệt sức, không dưỡng được nữa. Bây giờ tôi không có gì để bán nhưng vẫn phải cải tạo vườn, dưỡng những cây còn lại. Hi vọng 1-2 năm nữa cây phục hồi mới có thu nhập bình thường trở lại", ông Lê Văn Trí nói.
Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm xã Bình Hòa Phước Nguyễn Ngọc Nhân cho biết: Hợp tác xã có 42 ha chôm chôm, trong đó hơn 70% diện tích đã bị thiệt hại, không thể xử lý cho ra trái. Nhiều khả năng đầu năm 2021, sản lượng chôm chôm của hợp tác xã sẽ bị giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hiện nay, các thành viên hợp tác xã đang tập trung xử lý rửa mặn, chăm sóc vườn cây, đồng thời cũng mong các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ kỹ thuật giúp khôi phục vườn cây, xem xét hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục đầu tư tái sản xuất, khôi phục lại vườn cây vì đây là vùng nguyên liệu chôm chôm trọng điểm của xã.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Long Hồ có hơn 900 ha vườn cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn, trong đó chủ yếu là sầu riêng và chôm chôm. Những ngày qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hộ dân về kỹ thuật chăm sóc vườn cây sau nhiễm mặn, các giải pháp tích trữ nước phòng tránh xâm nhập mặn. Song song đó, địa phương cũng đã lập danh sách và đánh giá mức độ thiệt hại đối với cây bị nhiễm mặn để hỗ trợ cho hộ dân theo quy định của Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Hồ, Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết: Đây là năm đầu tiên địa phương xảy ra xâm nhập mặn, do đó người dân chưa có kinh nghiệm ứng phó. Hiện nay, huyện cũng tích cực tiến hành các thủ tục để hỗ trợ người dân, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng hệ thống tưới tiêu, trữ nước để ngăn xâm nhập mặn. Ngoài ra, hiện nay huyện cũng đang xem xét kế hoạch để xây dựng các đập ngăn mặn, đề xuất cấp tỉnh và Trung ương có những công trình mang tính tổng quát cho khu vực 4 xã cù lao của huyện để đảm bảo ngăn ngập mặn, góp phần giữ vững diện tích vườn cây ăn trái của địa phương.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn đã khiến cho hơn 17.000 ha cây trồng trên địa bàn bị thiếu nước tưới trong thời gian khoảng 5-7 ngày, trong đó có gần 7.000 ha cây lâu năm; ước thiệt hại khoảng 36 tỷ đồng. Để giúp nông dân phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn, ngành đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn về phòng, chống hạn mặn trên cây trồng, cấp phát tài liệu về hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái, quy trình trữ nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn. Song song đó, ngành cũng phối hợp với các địa phương tiến hành thống kê, rà soát tình trạng thiệt hại để công khai cho người dân, sau đó sẽ tiến hành hỗ trợ theo các chính sách đã được quy định của Chính phủ.
Lê Thúy Hằng