Nỗ lực giữ rừng giữa mùa khô ở Bù Đăng

Nỗ lực giữ rừng giữa mùa khô ở Bù Đăng
Lực lượng Ban quản lý rừng chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Lực lượng Ban quản lý rừng chủ động tuần tra phòng cháy trong mùa khô.
Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Dưới cái nắng gay gắt, những dãy cây bụi dọc các con đường tuần tra mòn nhỏ hẹp đã ngả sang màu vàng, khô héo do thiếu nước. Dù có những tán cây cổ thụ che bóng mát nhưng do nhiều tháng qua không có mưa, các cây cỏ nhỏ héo úa dần. Được Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bù Đăng Lê Hùng dẫn đi qua các đường mòn trong rừng khu vực thuộc xã Đồng Nai, chúng tôi mới thấy rõ nguy cơ cháy rừng rất cao nếu không chủ động nguồn lực, vật lực phòng cháy tại chỗ.

Dọc các tuyến đường tuần tra, đâu đâu cũng xuất hiện biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng và bảng ghi dòng chữ quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng. Càng vào sâu hơn bên trong, xuất hiện những lán trại tạm bợ được dựng lên bằng bạt. Ông Hùng vừa đi vừa nói: "Vào mùa khô (thông thường từ tháng 1 đến tháng 5), chúng tôi phải làm việc cật lực để đề phòng cháy rừng. Những lán trại tại nhiều điểm là nhằm che sương, che nắng cho anh em đội tuần tra, bảo vệ rừng. Những nơi dựng lán, trại thường được xem là "điểm nóng" dễ xảy ra cháy rừng bởi khu vực này chủ yếu là rừng lồ ô, rừng gỗ nhỏ rất dễ bùng phát ra diện rộng".

Vào mùa này, những khe suối dần ít nước chảy. Người dân địa phương ra vào hái rau rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Nhận định mối nguy hiểm thường trực đó, đầu mùa khô, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bù Đăng đã bố trí 4 chốt gồm: Đồng Nai, Sơn Tân, Thống Nhất và Bù Chốp. Ngoài ra, đơn vị chủ rừng còn bố trí thêm một tổ bảo vệ rừng Đắk Yeul thường trực tại xã Đắk Nhau. Nhiệm vụ của các chốt, tổ là thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát theo địa bàn khu vực được giao, trong đó có "điểm nóng" đã được nhận định sẽ có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Bên cạnh bố trí nhân lực, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bù Đăng đã đầu tư các trang thiết bị chữa cháy như: 10 bồn nhựa trữ nước trung bình từ 2.000-5.000 lít tại các vị trí gần rừng; một máy kéo rơ móc; một bồn chứa nước 2.000 lít đặt trên máy cày; 5 máy bơm chữa cháy cùng với hệ thống dây dẫn, đầu nối, lăng phun, vòi phun áp lực...

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bù Đăng phối hợp với lực lượng dân quân xã, kiểm lâm địa bàn, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Cát Tiên của tỉnh Đắk Nông, các hộ nhận khoán bố trí quân số trực 24/24 giờ, ăn ngủ tại rừng để chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy ngay khi mới phát sinh, ông Hùng cho biết thêm.

Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong mùa khô. Tổ trưởng tổ nhận khoán cộng đồng thôn 5, xã Đồng Nai do ông Điểu Thâm đứng đầu. Tổ có 45 hộ, các hộ này nhận khoán bảo vệ 1.227 ha rừng phòng hộ. Ông Điểm Thâm chia sẻ: "Để bảo vệ rừng, chúng tôi chia ra 14 tổ, với 2 điểm chốt trực từ 7 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần. Ban đêm, chúng tôi thành lập tổ bảo vệ rừng lưu động với 6 thành viên là những thanh niên có sức khỏe, thông thạo đường rừng để đi tuần tra, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cháy cao".

Tổ chức đốt lớp cỏ để tạo đường băng cản lửa, chủ động phòng cháy trong mùa khô. Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Tổ chức đốt lớp cỏ để tạo đường băng cản lửa, chủ động phòng cháy trong mùa khô. Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Hiện diện tích rừng phòng hộ Bù Đăng nằm rải rác khắp địa bàn huyện, tiếp giáp với nhiều địa bàn dân cư, có đường dân sinh qua lại.Do vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng, nhất là vào mùa khô gặp khó khăn. Cùng với đó, thời gian qua, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bù Đăng còn phải đối mặt với một số đối tượng sau khi bị xử lý vi phạm lại có ý đốt phá rừng. Từ đầu năm 2020 đến nay, đối tượng xấu đã lén lút tổ chức 5 đợt hủy hoại rừng gây ra một số điểm cháy.

Ông Lê Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bù Đăng cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng bảo vệ rừng đã nhiều lần mật phục để bắt quả tang các đối tượng cố tình đốt rừng. Tuy nhiên, do diện tích rừng lớn, địa bàn rộng, lực lượng mỏng, các đối tượng hoạt động tinh vi nên rất khó khăn trong việc vây bắt đối tượng phá rừng.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nhắc nhở anh em phải bám dân, bám rừng, bám trọng điểm và phối hợp nhịp nhàng cùng các lực lượng, địa phương, người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng, bằng mọi giá phải bảo vệ rừng trước nguy cơ cháy rất cao. Các chủ rừng tăng cường tuyên truyền cho người dân địa phương ven rừng biện pháp bảo vệ rừng trong mùa khô.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm