Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 4/8, cả nước ghi nhận 7.623 ca mắc mới (giảm 754 ca so với ngày 3/8), trong đó có 7.618 ca trong nước.
Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 3.300 ca, Bình Dương (2.143 ca), Long An (427 ca), Đồng Nai (389 ca), Tây Ninh (194 ca), Bình Thuận (161 ca), Đồng Tháp (156 ca), Cần Thơ, Khánh Hòa (mỗi địa phương 150 ca), Đà Nẵng (93 ca), Phú Yên (61 ca), Vĩnh Long (60 ca), Sóc Trăng (49 ca), Ninh Thuận (29 ca), An Giang Bến Tre, Hà Nội (mỗi địa phương 24 ca), Bình Định (23 ca), Thừa Thiên - Huế (19 ca), Thanh Hóa (17 ca), Quảng Ngãi (15 ca), Đắk Lắk (15 ca), Hà Tĩnh (14 ca), Hậu Giang, Quảng Nam, Gia Lai (mỗi địa phương 10 ca), Nghệ An, Bình Phước (mỗi địa phương 6 ca), Bạc Liêu, Đắk Nông, Quảng Bình (mỗi địa phương 5 ca), Hải Dương (4 ca), Hưng Yên, Quảng Trị (mỗi địa phương 3 ca), Kon Tum, Sơn La, Lào Cai, Bắc Ninh (mỗi địa phương 2 ca), Lâm Đồng, Lạng Sơn, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Giang (mỗi địa phương 1 ca); trong đó có 1.865 ca trong cộng đồng.
Trong ngày 4/8, cả nước có 3.501 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 54.332 ca.Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, 470 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO. Tổng số đã có 7.291.808 liều vaccine đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là 6.547.477 liều, tiêm mũi 2 là 744.331 liều.
Hơn 8,5 tỷ đồng hỗ trợ y, bác sỹ Trung ương vào Nam chống dịch
Chiều 4/8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc gặp mặt cán bộ y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường cho các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch COVID-19. Trong đợt này, 22 bệnh viện Trung ương với gần 3.000 y, bác sỹ đang khẩn trương chuẩn bị hành trang lên đường nhận nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động gặp mặt các y, bác sỹ đại diện cho gần 3.000 nhân viên y tế chuẩn bị lên đường tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các y, bác sỹ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn cho bản thân, góp phần cùng các tỉnh, thành phố phía Nam khống chế, đẩy lùi và dập tắt dịch bệnh, sớm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ; mong muốn và tin tưởng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 31/7, Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự hỗ trợ, giúp đỡ của 44 bệnh viện thuộc các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trên cả nước, với 2.521 y bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên; ngoài ra còn hơn 5.050 tình nguyện viên của cả nước chi viện…
Tại cuộc gặp mặt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phân bổ hơn 8,5 tỷ đồng từ nguồn vận động phòng, chống dịch COVID-19 để hỗ trợ cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh phía Nam để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Hà Nội đẩy nhanh việc chuẩn bị cho các tình huống xấu hơn
Ngày 4/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thị sát và kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 4 điểm ở Thủ đô và làm việc với Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch thành phố Hà Nội. Cho rằng Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao lây lan dịch trong thời điểm hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao quyết định kịp thời, đúng thời điểm của thành phố khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn từ ngày 24/7.
Về các giải pháp Hà Nội đang thực hiện trong phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Hà Nội thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là đủ. Công tác chống dịch "thần tốc" nhưng phải "chắc", giữ sức cho lực lượng tuyến đầu, đồng thời tạo điều kiện cho người dân sớm được trở lại cuộc sống bình thường. Các địa phương, đơn vị cần tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, nhất là từ phản ánh của người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội rà soát năng lực xét nghiệm từ máy móc đến việc cải tiến quy trình để nâng công suất, chủ động triển khai phần mềm để liên thông kết quả xét nghiệm của các đơn vị, huy động toàn bộ lực lượng bệnh viện tư nhân tham gia…
Chiều muộn 4/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế. Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ hai vấn đề liên quan đến công tác điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh: Huy động thêm các bệnh viện của Thành phố tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19; đảm bảo đủ trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đồ bảo hộ cho các bệnh viện điều trị. Trong giai đoạn hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh phải tập trung vào công tác điều trị. Trong những ngày tới, thành phố phải bố trí đủ chỗ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng...
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đoàn kiểm tra đã trực tiếp thị sát, kiểm tra, làm việc với Quận ủy Hà Đông, Huyện ủy Chương Mỹ về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương phải coi hệ thống chính trị ở cơ sở là nòng cốt, huy động sức dân để tăng cường kiểm tra, kiểm soát từ gốc là các hộ gia đình, thôn, xóm, ngõ, phố, bảo đảm tổ chức thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả. Từng địa phương phải cố gắng hết sức để nắm thế chủ động, không để mất thời cơ và "thời điểm vàng" khống chế dịch; đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho những kịch bản xấu hơn, trọng tâm là mở rộng quy mô, tăng công suất các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, bảo đảm thế chủ động trong mọi tình huống...
Tất cả các quận, huyện, thị xã, các phường, xã, thị trấn trên toàn thành phố phải vào cuộc quyết tâm hơn nữa, phát huy cao độ trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu...
Tích cực làm việc để có vaccine cho người dân
Sáng 4/8, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn chuyên gia về thẩm định dữ liệu nghiên cứu lâm sàng và phê duyệt vaccine COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp. Đây là phiên họp đầu tiên do hai cơ quan tổ chức, với sự tham gia của Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine COVID-19 do Việt Nam sản xuất.
Hiện Việt Nam có hai ứng viên vaccine (Nano Covax và Covivac) đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2-3. Việt Nam đang cân nhắc xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax. Việt Nam mong muốn thu nhận nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia của WHO, MFDS Hàn Quốc và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine, đặc biệt là vấn đề cấp phép vaccine trong tình trạng khẩn cấp.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, sau phiên họp đầu tiên này, hai bên sẽ tiếp tục có các phiên làm việc để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về phát triển vaccine COVID-19, đẩy nhanh quá trình xây dựng các quy định hướng dẫn phê duyệt vaccine và phát triển, mở rộng ứng dụng vaccine trong nước, nhanh chóng có vaccine phục vụ người dân Việt Nam và kỳ vọng đưa vaccine do Việt Nam sản xuất ra thế giới.
Tiếp sau cuộc làm việc với Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, chiều 3/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có hai cuộc trao đổi với đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ. Với mong muốn tiếp cận nhiều hơn với vaccine trên phương châm nhiều nhất, nhanh nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn CDC Hoa Kỳ sẽ có tác động với Chính phủ Hoa Kỳ để ưu tiên cho Việt Nam sớm tiếp cận thêm vaccine COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng và khả năng tiếp cận vaccine còn hạn chế…
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với khả năng lây lan nhanh và mạnh của biến thể Delta, Việt Nam rất cần thêm nguồn cung ứng vaccine. Đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vaccine Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều nữa. Tuy nhiên, phải tới quý IV/2021, 47 triệu liều vaccine Pfizer mới về Việt Nam.
Do đó, Bộ trưởng nước ta đề nghị USAID sớm có những tác động để thúc đẩy tiến trình cung ứng vaccine Pfizer cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng độ bao phủ của vaccine cho người dân Việt Nam.
Số lượng vaccine dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh cần trong tháng 8/2021 cho cả mũi 1 và mũi 2 là 5,5 triệu liều. Từ ngày 5- 31/8, Thành phố cần trung bình mỗi ngày khoảng 210.000 liều vaccine. Số vaccine này cần được cấp sớm, bắt đầu từ ngày 5/8 và theo tiến độ để tiêm liên tục từ nay đến hết ngày 31/8. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ đủ vaccine, đồng thời có thông báo sớm về số lượng vaccine phân bổ cho thành phố trước từ 5-7 ngày để kịp thời chủ động kế hoạch tổ chức tiêm chủng.
Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, thành phố đang tổ chức lại công tác tiêm và huy động thêm các nguồn lực, cố gắng đạt trung bình khoảng 300.000 liều/ngày. Cuối tháng 8/2021, nếu đảm bảo nguồn cung và tiến độ cung vaccine, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có mức bao phủ vaccine đạt 70 - 80% cho người từ 18 tuổi trở lên.
PV