Ngành chức năng tỉnh Ninh Thuận lấy mẫu huyết thanh của đàn lợn ông Đỗ Tấn Đức để gửi kiểm tra dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết, dịch bệnh tả lợn châu Phi xuất hiện tại gia trại của ông Đỗ Tấn Đức, ở khu phố 1, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn. Trước đó khi xảy ra dấu hiệu bệnh trên đàn lợn, ông Đức đã báo với cơ quan chức năng. Chi cục Thú y tỉnh đã kiểm tra và lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm, kết quả 59/400 con lợn của ông Đức dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Với kết quả đó, Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận đã cùng lực lượng chức năng huyện Ninh Sơn và hộ ông Đỗ Tấn Đức tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong số 59 con lợn đã tiêu hủy có 27 lợn nái, 1 lợn nọc, 25 lợn thịt, 6 lợn con với tổng trọng lượng 11.048 kg. Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, qua điều tra dịch tễ về tình hình bệnh, nhận định nguyên nhân gây ra dịch bệnh tả lợn châu Phi tại hộ ông Đức có thể là do hộ này chăn nuôi theo kiểu chuồng hở, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và biện pháp kiểm soát vật chủ trung gian mang mầm bệnh vào trại chưa triệt để. Cụ thể vào ngày 15/8/2019, hộ ông Đức có bán 30 con lợn thịt cho thương lái đưa về lò mổ trên địa bàn huyện Ninh Sơn và thương lái đã dùng xe tải, nhân công của lò mổ vào trại để bắt lợn, đến ngày 17/8/2019 thì đàn lợn của trại phát bệnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh và ngành chức năng kiểm tra tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi của hộ chăn nuôi tại huyện Ninh Sơn. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Trước tình hình trên, chiều 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã thị sát và chỉ đạo UBND huyện Ninh Sơn tập trung thực hiện mọi biện pháp chống dịch. Các cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu huyết thanh trên đàn lợn tại trại chăn nuôi của ông Đức để xét nghiệm. Nếu trường hợp kết quả dương tính buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn tại gia trại chăn nuôi này. Bên cạnh đó tập trung khoanh vùng, tiến hành dập dịch, không để lây lan ra diện rộng, nhất là các địa phương nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; đồng thời tổ chức kiểm soát, không để vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tiếp tục thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn và giám sát việc tiêu độc sát trùng các hộ chăn nuôi lợn trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp; vận động người dân thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn mà chưa qua xử lý nhiệt).
Công Thử