Đồng bào cùng sửa sang hệ thống đường giao thông nông thôn sạch đẹp để đón lễ hội Katê. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Lễ hội Katê năm 2019 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận được diễn ra trong 3 ngày (27 - 29/9) tới. Đây là một sự kiện thường niên lớn được đồng bào Chăm theo đạo tổ chức hàng năm, nhằm tưởng nhớ các vị Thần đã có công dẫn thủy, nhập điền, tạo mưa thuận gió hòa cho đồng bào sản xuất. Bên cạnh đó cũng là dịp để cúng kính, tưởng nhớ về tổ tiên; đồng thời là cơ hội để đồng bào phô diễn sắc thái văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày chính thức của lễ hội được diễn ra tại tháp Pô Klong Garai tọa lạc tại phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Theo đó các chức sắc, chức việc sẽ tổ chức rước y trang lên tháp, làm lễ mở cửa tháp để tắm và mặc y phục cho vị thần Pô Klong Garai. Tại đây các tín đồ sẽ mang lễ vật đến cúng kính, cầu vị thần ban sức khỏe, mùa màng bội thu. Sau khi diễn ra tại đền/tháp, hoạt động trong lễ hội Katê sẽ được tổ chức ở làng, gia đình và được kéo dài trong vòng một tháng từ làng này đến làng khác. Cùng với lễ hội, các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc cũng được tổ chức, tạo thêm không khí vui tươi cho lễ hội. Qua đó để du khách thập phương được tìm hiểu, trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của người Chăm thể hiện qua những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại tháp Pô Klong Garai. Niềm vui của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn càng được nhân lên khi lễ hội Katê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công bố là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, nghệ thuật làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm đạo Bà-la-môn ở làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đồng bào cùng sửa sang hệ thống đường giao thông nông thôn sạch đẹp để đón lễ hội Katê. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Nhằm đảm bảo việc tổ chức lễ hội Katê xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành và chính quyền các địa phương có đồng bào Chăm theo đạo xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội đúng quy mô nhưng giữ được các giá trị di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của lễ hội. Nhân dịp lễ hội Katê của đồng bào, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà các vị chức sắc Chăm Bà-la-môn; các gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách; các nhân sĩ trí thức ở địa phương. Qua đó động viên đồng bào tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới để sớm đưa địa phương ngày một phát triển, giàu đẹp, văn minh. Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào Chăm sinh sống, với số dân hơn 72.200 người, tập trung ở 35 thôn, khu phố thuộc 13 xã, thị trấn ở 6 huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng bào theo 3 tôn giáo chính là đạo Bà-la-môn với hơn 42.600 tín đồ; đạo Hồi giáo Bà-ni với 27.000 tín đồ; đạo Hồi giáo Islam với gần 2.500 tín đồ và còn lại là các tôn giáo khác. Kinh tế chủ yếu của đồng bào là sản xuất lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm; một bộ phận làm nghề dệt, nghề làm gốm truyền thống. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Trung ương và của tỉnh, đời sống đồng bào Chăm nói chung từng bước được nâng lên; bộ mặt kinh tế - xã hội vùng đồng bào đã có sự thay đổi rõ nét; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, các cơ sở thờ tự được đầu tư trùng tu, nâng cấp; tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em trong tỉnh ngày một được thắt chặt. Qua đó góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự, cùng ra sức thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương, đất nước.
Công Thử