Ninh Thuận: Tạo động lực phát triển kinh tế biển từ nghề nuôi trồng thủy sản

Ninh Thuận: Tạo động lực phát triển kinh tế biển từ nghề nuôi trồng thủy sản

Thấy được tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển với diện tích mặt nước tương đối lớn, nhiều hệ thống đầm, vịnh…, nhiều ngư dân địa phương ven biển ở tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư, phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản với đa dạng đối tượng nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng biển.

Ninh Thuận: Tạo động lực phát triển kinh tế biển từ nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 1Ngư dân huyện Ninh Hải nuôi trồng thủy sản trên biển. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận) cho biết, những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại rõ nét và có chiều hướng nhân rộng với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.

Tính đến cuối tháng 8/2023, toàn tỉnh có khoảng 222 bè với trên 3.560 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, tập trung tại khu vực Mỹ Tân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) và khu vực Cà Ná (huyện Thuận Nam). Khu vực C1, C2 (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) cũng có khoảng 800 lồng của 50 hộ nuôi các đối tượng cá biển như cá bớp, cá chim, cá mú...

Nhiều địa phương ven biển như xã Phương Hải, Tri Hải và Hộ Hải (huyện Ninh Hải) còn phát triển việc nuôi cá nước lợ trong ao, chủ yếu là cá mú theo phương thức thu tỉa thả bù với diện tích đang nuôi khoảng 49 ha. Ngoài ra, các đối tượng nuôi khác như hàu, cua, ghẹ được nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến với nguồn giống chủ yếu được thu gom từ tự nhiên, được nuôi bằng hình thức nuôi cắm cọc và nuôi lồng bè cũng đang phát triển mạnh tại vùng Đầm Nại (huyện Ninh Hải) với gần 150 hộ nuôi.

Ninh Thuận: Tạo động lực phát triển kinh tế biển từ nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 2Mô hình nuôi mực bán tự nhiên trong lồng bè được ngư dân mở hướng nhân rộng tại Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Việc nuôi trồng thủy sản không chỉ phát triển tại vùng biển và ven biển mà còn được thực hiện cả với hình thức nuôi ngọt (nuôi cá nước ngọt) tại địa bàn các huyện miền núi Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái với đối tượng nuôi chủ yếu là cá diêu hồng, cá trê, cá lóc... Các loại cá này được nuôi theo hình thức chuyên canh và nuôi kết hợp cá - lúa, nuôi cá tầm trong bể, ước sản lượng thu hoạch 220 tấn, bằng 68,8% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của ông Đặng Văn Tín - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trong 8 tháng tương đối ổn định. Các đối tượng nuôi thương phẩm sinh trưởng và phát triển tốt, giá bán hải đặc sản luôn dao động ở mức cao. Ước tổng sản lượng thuỷ sản thương phẩm đạt 7.120 tấn, bằng 70,5% kế hoạch và tăng 1,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản lượng tôm giống đạt 26.600 triệu ấu trùng tôm (postlarvae), bằng 60,5% kế hoạch và tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Ninh Thuận: Tạo động lực phát triển kinh tế biển từ nghề nuôi trồng thủy sản ảnh 3Mực nuôi bán tự nhiên trong lồng bè. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Thời gian qua, giá các loại hải sản luôn dao động ở mức cao. Riêng tôm có giá bán từ 630.000 - 730.000 đồng/kg (đối với tôm hùm xanh) và 1,7 - 2,5 triệu đồng/kg (đối với tôm hùm bông). Các loại cá bớp, chim… giá bán từ 190.000 - 220.000 đồng/kg; cá mú từ 250.000 - 270.000 đồng/kg... Điều đó cho thấy sức hút của thị trường, của người tiêu dùng đối với hải sản nuôi trồng là rất lớn, giúp người nuôi có lãi cao. Đây là tín hiệu tốt đối với nghề nuôi trồng thủy sản của Ninh Thuận, góp phần cải thiện đáng kể sinh kế, tăng thêm thu nhập cho người dân vùng biển.

Tuy nhiên, hiện quy mô nuôi trồng chưa lớn, sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, kết cấu công trình lồng bè nuôi đơn giản, chưa đảm bảo độ an toàn khi có tác động của sóng biển lớn… Đó cũng là trở lực lớn cho nghề nuôi trồng thủy sản tại Ninh Thuận hiện nay.

Để nuôi trồng thủy sản phát huy hiệu quả, phát triển bền vững, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với các ngành, địa phương ven biển giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản như: vùng nuôi; diện tích nuôi, quy mô lồng bè nuôi; hướng dẫn mùa vụ, lịch sản xuất cụ thể ở từng khu vực; tuyên truyền, khuyến cáo hộ nuôi lựa chọn giống đầu vào chất lượng, đảm bảo mật độ thả nuôi phù hợp… Đồng thời, tăng cường quản lý giống thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điềukiện sản xuất ương dưỡng giống thuỷ sản.

Chi cục còn tăng cường quan trắc môi trường theo đúng tần suất 1 lần/tháng và đột xuất khi có tình hình dịch bệnh hay vào vụ nuôi chính; tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến quy định của pháp luật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, Chi cục sẽ hướng dẫn hộ nuôi áp dụng tiêu chuẩn nuôi tôm thương phẩm và tổ chức ghi chép đầy đủ nhật ký ao nuôi, phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm…; giới thiệu và nhân rộng các mô hình nuôi thành công trên địa bàn tỉnh để người dân tìm hiểu, đầu tư nuôi có hiệu quả.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm