Ninh Thuận: Quy hoạch vùng sản xuất ứng phó với khô hạn

Ninh Thuận: Quy hoạch vùng sản xuất ứng phó với khô hạn
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kiểm tra mô hình trồng măng tây ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kiểm tra mô hình trồng măng tây ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, ứng phó với hạn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc. UBND tỉnh cũng đang rà soát, kịp thời cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch của tỉnh thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo căng cơ, bền vững, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống hạn theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, với mục tiêu: “Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, xác định mục tiêu rõ ràng, đảm bảo hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi”. Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong mười năm qua, tỉnh đã có tới bảy năm xảy ra hạn hán. Ngay trong vụ Đông Xuân 2020, toàn tỉnh đã có gần 8.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp phải dừng sản xuất vì thiếu nước tưới; trong đó, có một số địa phương phải dừng hẳn sản xuất trong trong thời gian dài, làm đời sống người dân gặp nhiều khó khăn .
Mô hình trồng dưa lưới phủ màng tại huyện Thuận Nam. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Mô hình trồng dưa lưới phủ màng tại huyện Thuận Nam.
Ảnh: Công Thử - TTXVN
Ông Vĩnh cho rằng, phải thừa nhận, hạn hán không còn là chuyện lạ đối với tỉnh nữa, chừng nào có mưa xảy ra thì đó mới là chuyện bất thường. Vì lẽ đó, để ứng phó với khô hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai thì tư duy sản xuất buộc phải thay đổi để theo kịp với tình hình. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải quy hoạch, xác định rõ vùng cho phát triển sản xuất, vùng cho chăn nuôi… để có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau; trong đó, ưu tiên phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, tiết kiệm tối đa nước tưới. Ninh Thuận có đến 21 hồ chứa lớn nhỏ với dung tích chứa lên đến 194.49 triệu m3 nước. Tuy nhiên, thực tế đa số các hồ chứa không có nguồn nước bổ sung nên cứ đến mùa khô là các hồ rơi vào tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng, làm nhiều diện tích đất sản xuất lúa trở thành vùng đất chết. Theo báo cáo của Phòng Quản lý nước và công trình - Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 22/4, lượng nước ở 21 hồ chức chỉ còn 31,1 triệu/194,49 triệu m3, chiếm gần 16% dung tích thiết kế. Nếu thời gian tới địa phương không có lũ tiểu mãn thì sản xuất vụ Hè Thu và các vụ tiếp theo sẽ gặp vô vàng khó khăn. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và nguồn nước tại các công trình thủy lợi để kịp thời xây dựng kế hoạch, giải pháp quản lý và điều tiết để sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng cho sản xuất vụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống người dân. Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, xác định hạn hán là diễn biến thường xuyên đối với tỉnh; do đó các địa phương cũng đang chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng các kịch bản, đề xuất các giải pháp căng cơ, lâu dài để ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh có tiềm năng và lợi thế, đảm bảo giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng từ 6 - 7%/năm; giá trị sản xuất tăng từ 7 - 8%/năm.
Mô hình trồng dưa lưới phủ màng tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử - TTXVN
Mô hình trồng dưa lưới phủ màng tại huyện Thuận Nam (Ninh Thuận).
Ảnh: Công Thử - TTXVN
Thấy được giá trị kinh tế của các loại cây trồng đặc thù như măng tây xanh, táo, nho, hành, tỏi… mang lại, tỉnh Ninh Thuận cũng đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất trên đất lúa kém hiệu quả theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với áp dụng công nghệ sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp với công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp, quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đang rà soát, điều chỉnh hoàn thành quy hoạch các vùng chuyển đổi cây trồng, vùng sản xuất tập trung; phấn đấu chuyển đổi trên 8.000 ha đất trồng lúa kém hiệu sang trồng các loại cây ngắn ngày, cây trồng có tính đặc thù, vừa tiết kiệm nước, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng đầy đủ nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ tại địa phương như cây măng tây xanh, cây nha đam và các loại cây ăn quả khác.  Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương hình thành “đầu tàu” là các hợp tác xã, các tổ hợp tác để gắn kết nông dân với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất theo theo chuỗi giá trị ngành hàng để nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, các thành phần kinh tế cũng đang đầu tư mạnh vào 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến như: dự án trồng cỏ nuôi bò sữa, bò thịt ở xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc; dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái; dự án sản xuất giống thủy sản công nghệ cao ở xã An Hải, huyện Ninh Phước… đang có tác động tích cực vào việc chuyển đổi hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp tiên tiến, tạo ra sản phẩm có hàm lượng “chất xám” cao. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, mục tiêu đến hết năm 2020, tỉnh sẽ phát triển 12 khu sản xuất rau an toàn công nghệ cao, với tổng diện tích 1.640 ha; 4 vùng sản xuất nho, táo công nghệ cao với tổng diện tích 700 ha; 2 vùng chăn nuôi bò công nghệ cao với tổng diện tích 150 ha, tổng đàn khoảng 6.000 con; 2 vùng chăn nuôi dê, cừu công nghệ cao với tổng diện tích 250 ha, tổng đàn khoảng 17.000 con; 3 vùng nuôi thủy sản thương phẩm công nghệ cao, với tổng diện tích 200 ha, tập trung ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam…. Qua đó từng bước góp phần vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Công Thử

Có thể bạn quan tâm