Ninh Thuận phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân

Người dân tham gia trồng rừng tại tiểu khu 186, xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Người dân tham gia trồng rừng tại tiểu khu 186, xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Xác định rừng và đất rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với xây dựng sinh kế cho người dân vùng đệm.

Ninh Thuận phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân ảnh 1Trồng rừng ngập mặn phục hồi sinh thái tại khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để nâng cao hiệu quả rừng trồng, các đơn vị tăng cường trồng nhiều loại cây có khả năng thích ứng với khí hậu khô hạn như cây trôm, nem, thanh thất, keo lai, lim, điều và các loại cây phụ trợ có giá trị kinh tế như mít, bơ, bưởi… nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Trong năm 2020, toàn tỉnh trồng mới được gần 843 ha rừng, trong đó trồng 530 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng thay thế 312 ha, trồng rừng khắc phục 0,5 ha. Ngoài trồng mới, tỉnh Ninh Thuận còn đẩy mạnh chăm sóc diện tích rừng trồng thuộc các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững với tổng diện tích trên 1.294 ha; thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 3.027 ha.

Cùng với phát triển rừng trồng, Ninh Thuận đẩy mạnh thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ với tổng diện tích trên 66.587 ha. Mỗi hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng bình quân khoảng 30 ha với đơn giá nhận khoán 12 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tỉnh dành các nguồn kinh phí mua gạo hỗ trợ hàng ngàn hộ dân tham gia trồng rừng phục hồi trên nương rẫy các tháng giáp hạt để yên tâm bảo vệ rừng.

Ninh Thuận phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân ảnh 2Người dân tham gia trồng rừng tại tiểu khu 186, xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Nhờ tham gia các chính sách bảo vệ rừng, cuộc sống của gia đình ông Châu Văn Khúc (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) đã thay đổi rõ rệt. Ông Khúc chia sẻ, gia đình vốn có cuộc sống khó khăn, năm 2016 được Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang giao khoán bảo vệ 30 ha rừng với đơn giá 400 nghìn đồng/ha/năm. Từ số tiền nhận khoán, gia đình kết hợp trồng cây ăn quả trên nương rẫy, nuôi bò sinh sản, hàng năm cho thu nhập trung bình khoảng 80 triệu đồng, kinh tế gia đình đã dần thoát cảnh nghèo khó.

Ninh Thuận hiện có Ban Quản lý rừng phòng hộ, vườn quốc gia và công ty lâm nghiệp thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng gắn xây dựng sinh kế cho cộng đồng tại các địa phương. Từ năm 2016 đến nay, với số tiền tích lũy nhận khoán bảo vệ rừng, các hộ dân mua 1.358 con bò, 212 con dê, 62 con heo, 24 con cừu để phát triển chăn nuôi... Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 78 hộ vay ưu đãi trên 3,7 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh còn vận dụng các chính sách, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa bàn khó khăn với việc đầu tư hệ thống cấp nước sạch, hệ thống tưới tiêu, xây dựng đường bê-tông nông thôn tạo thuận lợi cho người dân sống ở gần rừng sản xuất, buôn bán.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, chất lượng rừng ở Ninh Thuận từng bước được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, trữ lượng và độ che phủ rừng ngày càng tăng, nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 46,8%. Rừng tự nhiên tại Ninh Thuận vẫn đang được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng phá rừng.

Các chương trình phát triển sinh kế gắn với quản lý bảo vệ, phát triển rừng đã giúp hàng nghìn hộ dân tại các vùng đệm có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống được cải thiện, từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo vệ và phát triển rừng ở Ninh Thuận gặp không ít khó khăn do đặc thù khí hậu khô nóng, tình trạng khô hạn thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng chống cháy rừng, trồng rừng; địa bàn quản lý rộng, dàn trải, địa hình hiểm trở gây khó khăn cho quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn cố tình, lén lút ra vào rừng để tác động đến rừng và đất rừng...

Ninh Thuận phát triển rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân ảnh 3Người dân tham gia trồng rừng tại tiểu khu 186, xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ninh Thuận hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 204,2 nghìn ha; trong đó diện tích đất có rừng trên 155,4 nghìn ha, diện tích đất chưa có rừng trên 48.790 ha. Để nâng cao hiệu quả phát triển rừng, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng sản xuất tập trung. Tỉnh tăng cường phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa các lực lượng, đặc biệt là sự phối hợp giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương cùng các hộ dân, cộng đồng dân cư sống ven rừng.

Song song với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; vận động các hộ dân tham gia, phát triển mở rộng đầu tư các mô hình sinh kế cả về quy mô, chất lượng, đảm bảo các hộ dân trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng có tài sản tích lũy, đời sống kinh tế ngày càng ổn định, bền vững và không tác động xâm hại đến rừng.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm