Ninh Thuận phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ninh Thuận phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Chiều 17/2, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị công bố đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ninh Thuận phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố nội dung Quyết định số 555/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó có 455.000 lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng; đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với đóng góp khoảng 15% GRDP.

Về định hướng phát triển thị trường du lịch, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa, khôi phục thị trường du lịch quốc tế khách Nga và Đông Âu truyền thống để tăng lượng khách và doanh thu. Giai đoạn từ năm 2025-2030, tỉnh hướng tới những đối tượng khách cao cấp của các thị trường sẵn có và phát triển các thị trường du lịch mới ở các nước Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ...

Để thu hút du khách, Ninh Thuận tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa (đặc biệt di sản văn hóa Chăm); nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Cùng với đó, phát triển 4 sản phẩm du lịch mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; xây dựng 4 sản phẩm bổ trợ: du lịch cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo và thương mại du lịch.

Ninh Thuận phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 2Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tỉnh cũng đề ra bốn nhóm giải pháp chính triển khai thực hiện, đó là đẩy mạnh kích cầu du lịch, khôi phục lượng khách và doanh thu; phát triển nguồn lao động phục vụ du lịch; huy động nguồn vốn và các dự án đầu tư các điểm, khu du lịch, vui chơi giải trí mới; xây dựng thương hiệu và tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận độc đáo, hấp dẫn để giới thiệu đến du khách trong, ngoài nước.

Đề án phát triển du lịch dự kiến có tổng vốn đầu tư thực hiện ước tính trên 75.538 tỷ đồng, trong đó có 49.287 tỷ đồng là vốn đầu tư mới; vốn ngân sách đầu tư khoảng 79 tỷ đồng và phần còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đến từ các sở, ngành, địa phương, đại diện doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh. Các đại biểu thống nhất cao với nội dung đề án; đồng thời kiến nghị tỉnh Ninh Thuận có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để phục hồi và phát triển du lịch sau dịch COVID-19 cũng như tạo điều kiện môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải vùng ven biển...

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Mục tiêu chung của đề án nhằm phát triển du lịch Ninh Thuận theo hướng toàn diện, hướng tới hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có tính cạnh tranh cao nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch của cả nước, nhất là khu vực Duyên hải miền Trung.

Ông Nguyễn Long Biên đề nghị các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch triển khai các hoạt động phát triển du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về định hướng phát triển du lịch; triển khai hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án; đồng thời lưu ý ngành du lịch tăng cường các giải pháp đảm bảo mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân và du khách.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, quản trị kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; tập trung giải quyết dứt điểm công tác vệ sinh, môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm