Với tinh thần quyết tâm cao trong triển khai các giải pháp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 73% kế hoạch (thuộc top đầu cả nước, bình quân cả nước đạt 55%) và vốn sự nghiệp đạt 36%. Đặc biệt, các cơ chế chính sách về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thiện, bảo đảm cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tốc độ triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, đến nay, tỉnh đã hoàn tất công tác phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các sở, ngành và địa phương, với tổng vốn giao 807,498 tỷ đồng, tăng 46,5% so với năm 2022; trong đó vốn đầu tư phát triển trên 308 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 397,7 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết quả thực hiện đối với Chương trình Giảm nghèo bền vững, đến nay tổng số hộ nghèo toàn tỉnh Ninh Thuận hiện còn 11.015 hộ/43.782 khẩu, chiếm 5,93%, giảm 1,89% so với năm 2021. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,43%, giảm 1,5% so với năm 2022 (mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là giảm 2%/năm). Đối với Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn 17,73%, giảm 4,73% so với năm 2021. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 14,73%, giảm 3% so với năm 2022 (mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là giảm 3%/năm).
Với Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 31/47 xã, chiếm 66%. Ước đến cuối năm 2023, có 33/47 xã đạt chuẩn, chiếm 70%; riêng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có 10/38 xã, chiếm 26,3%. Ước đến cuối năm 2023 có 14/38 xã, chiếm 36,8%. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 15/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 39,5% và 5/38 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 13,2%.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, mặc dù kết quả giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp tuy có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, đóng góp của người dân và nguồn vốn đối ứng của địa phương còn nhiều khó khăn. Một số chủ đầu tư chưa chủ động chuẩn bị tốt công tác hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư theo quy định. Một số cơ chế, chính sách ban hành còn chậm; trong đó có một số quy định ban hành nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung...
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình.
UBND tỉnh giao cho các cơ quan Thường trực từng Chương trình chủ trì, phối hợp với các chủ dự án thành phần và các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai. Đồng thời, các chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn khẩn trương rà soát danh mục, dự án về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, quyết định kịp thời, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực của ngân sách Nhà nước; tập trung giải ngân các nội dung, hoạt động, dự án đã có đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện theo đúng quy định, tuyệt đối không để dồn vốn vào cuối năm.
Bên cạnh đó, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phấn đấu giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đạt kết quả cao nhất.
Công Thử