Để nâng cao giá trị sử dụng đất, nhiều nông hộ tại tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi
Ninh Thuận là địa phương có nền nông nghiệp phát triển khá đa dạng với nhiều loại cây trồng khác nhau. Nông dân nơi đây luôn mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu để trồng các giống cây mới phù hợp với điều kiện khí hậu khô nóng, tiết kiệm nước, cho giá trị kinh tế cao với giống cây như: nho, táo, mãng cầu hoàng hậu, chanh không hạt, măng tây, phúc bồn tử đen...
Điển hình tại xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, anh Tống Minh Hoàng là một trong những người tiên phong đưa các giống nho nhập nội gồm nho sữa Hàn Quốc (còn gọi là nho Mẫu đơn) và nho ngón tay đen (Black shappire) về trồng tại địa phương để tạo sức hút mới cho sản phẩm nho ăn tươi.
Chủ trang trại nho cho biết, cả hai giống nho đều được trồng trên nền tảng gốc ghép của giống nho dại, bình quân 1 sào (1.000m2) trồng khoảng 250 gốc nho cho leo giàn như các giống nho truyền thống. Sau thời gian trồng thử nghiệm, cây sinh trưởng khỏe, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khô nóng, thổ nhưỡng của địa phương, cây dễ ra bông đậu quả. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch lứa quả đầu tiên khoảng 12 tháng và mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, vụ nho chính là vụ Đông Xuân (từ tháng 12-4) và vụ Hè Thu (từ tháng 5-10) với sản lượng thu hoạch từ 1-1,5 tấn/sào/vụ.
Vừa qua, trang trại thu hoạch hai sào gồm nho sữa Hàn Quốc và nho ngón tay đen với năng suất bình quân 1 tấn/sào (do nho mới trồng nên cành thứ cấp ít), nho sữa Hàn Quốc được bán với giá 350.000 đồng/kg, nho ngón tay đen có giá bán 250.000 đồng/kg, cho doanh thu khoảng 600 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng các giống nho truyền thống.
Không chỉ trồng các giống nho mới, thời gian qua nhiều giống cây trồng như: giống táo mới TN05, măng tây Hà Lan, cỏ chăn nuôi, kiệu, ngô lai, dưa lưới... mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng được các hộ, trang trại trồng nhân rộng.
Theo thống kê từ 2016 đến nay, Ninh Thuận đã chuyển đổi được 9.546/8.310 ha (đạt 114,8% kế hoạch); trong đó chuyển đổi trên đất lúa 6.402 ha, đất khác 3.144 ha với tổng kinh phí hỗ trợ chuyển đổi (mức hỗ trợ từ 30-100% gồm giống, vật tư, thiết bị) gần 19 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, vận động các hộ dân đẩy mạnh nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm thích ứng với tình trạng khô hạn; đến nay toàn tỉnh có 1.773 ha cây trồng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước cho các cây hàng năm và cây ăn quả lâu năm.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi cây trồng giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, giảm từ 25-30% so với trồng lúa, hạn chế việc khai thác nước ngầm; lượng nước để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ, điều tiết cho sản xuất các vụ tiếp theo. Cùng với đó, chuyển đổi cây trồng giúp bà con nông dân có việc làm, thu nhập, hạn chế tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ kéo dài.
Qua tính toán trên cùng một đơn vị diện tích canh tác và mùa vụ, hiệu quả kinh tế khi chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày như cây đậu xanh cho lợi nhuận gấp 1,4 lần, mè gấp 1,5 lần, dưa hấu gấp 5,2 lần, bắp giống gấp 5,5 lần, kiệu gấp 18 lần so với diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Đối với các cây trồng dài ngày như táo gấp 15,6 lần, nho gấp 16,8 lần, mía gấp 19 lần, măng tây xanh gấp 21,6 lần so với trồng hai vụ lúa mỗi năm.
Tăng cường hỗ trợ
Bên cạnh hiệu quả đem lại, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn gặp khó khăn do tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến một số mặt hàng nông sản có nơi, có lúc bị ảnh hưởng về giá cả, đầu ra. Ngoài ra, năng lực tiếp cận thị trường, công nghệ của nông dân còn hạn chế, sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hạ tầng phục vụ sản xuất quy mô lớn của địa phương chưa được đồng bộ.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, nhằm thúc đẩy sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025 Ninh Thuận tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất, hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả, đất vườn tạp sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao hơn.
Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ chuyển đổi khoảng 3.200 ha diện tích cây trồng, trong đó có 1.525 ha từ đất lúa, còn lại là các loại đất khác. Các loại cây trồng có khả năng chịu được khí hậu khô hạn, mang lại giá trị kinh tế cao được ưu tiên lựa chọn như: nho, táo, măng tây, cỏ chăn nuôi, ngô lai, đậu xanh, bưởi, mãng cầu, chuối, sầu riêng, xoài.
Cùng với chuyển đổi cây trồng, Ninh Thuận tăng cường áp dụng kỹ thuật trồng trọt mới như xen canh cây họ đậu với cây ăn trái, cây dài ngày để tạo thảm thực vật giữ ẩm, cải tạo độ phì nhiêu của đất; sử dựng bao lưới vườn cây ăn quả để phòng ngừa dịch hại nguy hiểm giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp sẽ tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo để nhân rộng những cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mặt khác, Ninh Thuận tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị; kết hợp phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp để giúp sản phẩm nông sản có đầu ra đa dạng, bền vững.
Để nông dân thực sự làm giàu từ các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian tới Ninh Thuận tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân, xây dựng kết cấu hạ tầng, thương hiệu nông sản chủ lực; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến sâu, tạo sản phẩm hàng hóa phong phú để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông sản của địa phương.
Nguyễn Thành