Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn, phát huy lợi thế vùng miền với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi một địa phương. Được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tươi đẹp, với những nét truyền thống văn hóa tạo nên bản sắc riêng của mảnh đất Cố Đô, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực phát huy, nâng cao chất lượng và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, góp phần tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế nông thôn phát triển.
Sản phẩm mang văn hóa bản địa
Làng nghề thêu ren Văn Lâm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư có trên 700 năm tuổi. Với sự sáng tạo, thừa kế nghề di sản của cha ông, những người thợ làng Văn Lâm đã làm ra những sản phẩm thêu ren mang vẻ đẹp độc đáo được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Từ khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của làng có cơ hội được trưng bày trong các lễ hội, sự kiện du lịch lớn của tỉnh, được hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm, giới thiệu thương hiệu thêu ren Văn Lâm tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Từ năm 2019, nhiều sản phẩm thêu ren của làng được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Vũ Thành Luân, Chủ tịch Hiệp hội Nghề thêu ren Văn Lâm cho biết, những mục tiêu và lợi ích của Chương trình OCOP mang lại giúp cho làng nghề truyền thống có thêm động lực phát triển những sản phẩm chất lượng cao không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn giữ gìn được những nét đặc trưng riêng của làng nghề.
Năm 2021, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương, huyện Nho Quan được thành lập với 42 thành viên liên kết với nhau nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển hơn nữa nghề nuôi ong lấy mật tại địa phương. Thời gian qua, nhờ những chính sách, cơ chế hỗ trợ từ Chương trình OCOP đã tạo động lực để Hợp tác xã tối ưu hóa các khâu sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Sản phẩm mật ong rừng của Hợp tác xã đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, góp phần đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.
Ông Bùi Văn Thuận, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mật ong Cúc Phương cho biết, tận dụng lợi thế địa phương có diện tích nằm trong rừng Quốc gia Cúc Phương - khu rừng nguyên sinh lớn nhất Việt Nam với thảm thực vật vô cùng phong phú, nuôi ong lấy mật đã trở thành một trong những nghề truyền thống của người dân Cúc Phương. Là sản phẩm OCOP 4 sao mang đậm nét đặc trưng của vùng núi Ninh Bình, sản phẩm mật ong Cúc Phương đến nay đã có tem, mã vạch riêng truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định thương hiệu một sản phẩm của núi rừng Cố đô.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, từ năm 2019 khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, Ninh Bình xác định Chương trình OCOP của tỉnh phải phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất, con người của Ninh Bình. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đã có định hướng chỉ đạo tập trung phát triển Chương trình OCOP hướng đến xây dựng điểm nhấn bản sắc thương hiệu cho OCOP Ninh Bình với việc phát triển những sản phẩm OCOP vừa phù hợp với lợi thế tiềm năng, đặc điểm đặc trưng riêng của từng vùng đất nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với hướng phát triển của tỉnh thành trung tâm du lịch quốc gia.
Lan tỏa giá trị văn hóa trong OCOP
Khi tham gia vào Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nổi tiếng của Ninh Bình như thêu ren làng Văn Lâm, gốm cổ Bồ Bát, cơm cháy, mật ong Cúc Phương, trà sen Cố Đô... được tiếp thêm sức mạnh, có sức cạnh tranh hơn trên thị trường, không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà mỗi sản phẩm như một sứ giả góp phần quảng bá văn hóa vùng miền và chứa đựng, gìn giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.
Ninh Bình giờ đây không chỉ được biết đến là một vùng đất non nước yên bình mà còn là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng, mang đậm giá trị văn hóa, tinh hoa. Điều đó càng tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh hồi sinh những nét độc đáo riêng có, khẳng định thương hiệu OCOP của vùng đất Cố Đô. Ninh Bình hiện có 76 làng nghề, nhiều nghề truyền thống có các sản phẩm độc đáo, đa dạng. Nhiều sản phẩm của Ninh Bình đã có thương hiệu riêng, chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu nội địa, mang đậm yếu tố truyền thống địa phương như: Thịt dê, cơm cháy, mắm tép, ngao Kim Sơn, nem chua Yên Mạc…
Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP, tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống gắn với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa, tri thức bản địa và gắn với các sản phẩm du lịch. Tỉnh phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân. Toàn tỉnh hiện có 122 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao đến 4 sao trở lên, thu hút sự tham gia của 70 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm tích hợp giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của mỗi địa phương, mỗi sản phẩm đều có những điểm nhấn, bản sắc, tạo nên đặc trưng, thương hiệu riêng cho từng vùng miền trong tỉnh.
Giai đoạn 2023 - 2025, Ninh Bình tiếp tục phấn đấu thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 3% sản phẩm được công nhận đạt 5 sao.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình cho biết, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục đồng hành với các hợp tác xã trong việc định hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, góp phần tạo ra những sản phẩm riêng có mang nét đặc trưng của địa phương, để khi nhắc tới mỗi sản phẩm đó, người tiêu dùng sẽ nhớ tới đó là sản phẩm của Ninh Bình.
Thùy Dung