Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song Công ty Điện lực Kon Tum đã thực hiện khảo sát, bố trí kinh phí và nhân lực, đưa điện về với những điểm làng này. Nhờ đó đến nay, tỉ lệ cấp điện của tỉnh đã đạt 100%, mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho người dân sinh sống ở những điểm làng cuối cùng được cấp điện của tỉnh Kon Tum.
Điểm làng Dao, thôn 3, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai là điểm làng cuối cùng của huyện được sử dụng điện lưới Quốc gia. Làng có khoảng 75 hộ, với trên 220 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Dao, di cư từ huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk sang từ năm 2018. Trước đó, cũng có một số người dân sinh sống tại khu vực này nhưng không nhiều, cộng với điều kiện đường sá hiểm trở, khó khăn nên chưa có điện.
Nắm bắt được nhu cầu bức thiết của người dân, đầu năm 2021, Công ty Điện lực Kon Tum đã lập kế hoạch đưa điện vào cho bà con nhân dân của điểm làng Dao. Theo đó, đơn vị đã đầu tư gần 16 km đường dây 22kV và một Trạm biến áp 100kVA – 22/0,4kV, nối với hệ thống đường điện từ huyện Sa Thầy về, với tổng kinh phí 16,7 tỷ đồng. Nhờ đó, tháng 6/2021, Trạm biến áp của làng chính thức đóng điện, giúp bà con nhân dân trong làng có điện để sử dụng.
Ông Trần Thanh Quảng, sinh năm 1972, trú làng Dao, thôn 3, xã Ia Dom cho biết, ông là một trong số ít những hộ dân đã sinh sống tại điểm làng này từ năm 2010. Đã hơn 10 năm nay, gia đình ông phải sử dùng bình ắc quy để thắp sáng cũng như phục vụ các sinh hoạt khác trong gia đình. Thế nhưng, từ khi có điện, bà con nhân dân trong điểm làng ai cũng vui mừng, phấn khởi.
“Trước kia khổ lắm, mỗi lần bình ắc quy hết điện là chúng tôi lại phải đi mấy chục km để sạc, mang về dùng được mấy hôm lại hết. Bây giờ có điện rồi thì không phải lo lắng đến việc đó nữa, bà con trong làng cũng mua được các vật dụng như nồi cơm điện, tivi, một số nhà còn có tủ lạnh nữa để sử dụng, cuộc sống bớt vất vả hơn”, ông Quảng vui vẻ nói.
Ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai cho biết, việc điểm làng Dao được cung cấp điện lưới quốc gia không chỉ giúp cho bà con nhân dân tại làng bớt khó khăn, có điện để sử dụng, mà còn góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí còn lại, đưa Ia Dom trở thành xã nông thôn mới theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Theo ông Nguyễn Phong Lưu, Giám đốc Điện lực thành phố Kon Tum, phụ trách Điện lực Ia H’Drai, việc cấp điện cho điểm làng Dao đã giải quyết được hai vấn đề lớn của ngành điện. Đó là, cung cấp điện cho bà con và tạo mạch vòng cấp điện hoàn chỉnh cho huyện Ia H’Drai.
Trước kia, dòng điện cung cấp cho huyện Ia H’Drai được nối với đường dây từ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sang, nên khi có sự cố, điện cung cấp cho toàn huyện sẽ bị tạm ngưng. Tuy nhiên hiện nay, việc đưa điện từ huyện Sa Thầy về sẽ giúp nâng cao chất lượng cung cấp điện. Khi xảy ra sự cố tại Gia Lai, điện sẽ không bị tạm ngưng, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn được suôn sẻ.
Trong khi đó, điểm thôn Đăk Yo mới, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có khoảng 60 hộ với trên 200 nhân khẩu, được thành lập từ năm 2016, trên cơ sở giãn dân từ thôn Đăk Yo. Những hộ dân ở đây chủ yếu là những gia đình trẻ, mới kết hôn, do thôn cũ không còn quỹ đất nên được bố trí ra sinh sống ở khu vực mới, cách làng cũ khoảng 1 km.
Sau khi giãn dân, khu vực thôn mới không có điện, buộc người dân nơi đây phải tự kéo điện từ thôn cũ ra nếu khá giả, những hộ không có tiền sẽ phải sử dụng đèn dầu hoặc bình ắc quy để có điện phục vụ đời sống.
Tháng 6/2021, Công ty Điện lực Kon Tum đã hoàn tất đưa đường điện và lắp công tơ vào khu vực thôn Đăk Yo mới, với hệ thống gần 500 m đường dây hạ thế 0,4 kV, tổng kinh phí gần 200 triệu. Nhờ đó, tất cả bà con trong thôn đã có điện để sử dụng.
Anh A Nhung, sinh năm 1985, thôn Đăk Yo mới, xã Hơ Moong chia sẻ, khi có điện, bà con trong thôn rất vui mừng. Ngoài việc mua các thiết bị điện phục vụ sinh hoạt hàng ngày như tivi, tủ lạnh, anh và bà con còn mua thêm máy bơm nước điện hay lắp hệ thống tưới tự động, sử dụng để tưới tiêu cho cây trồng, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao sản lượng, thu nhập cho gia đình.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum, ngay từ cuối năm 2020, trước thực trạng còn một số điểm thôn, làng chưa có điện lưới quốc gia, Công ty Điện lực Kon Tum đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào việc kiểm tra, rà soát, khảo sát thực tế ở những khu vực mà người dân chưa được sử dụng điện để đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng.
Sau đó, thực hiện các công trình đầu tư cấp điện; đồng thời, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khảo sát, thiết kế, đấu thầu, mua sắm, cung ứng vật tư, thiết bị và thi công xây lắp để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình, đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Công ty Điện lực Kon Tum đã chỉ đạo toàn thể cán bộ, công nhân viên và các đơn vị trực thuộc nỗ lực phấn đấu, hoàn thành kế hoạch được giao, thực hiện “mục tiêu kép” – vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp điện để phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó đến nay, 102/102 xã, phường, thị trấn của tỉnh có điện lưới quốc gia; số hộ dân có điện sử dụng là 152.539/152.539 hộ, đạt tỷ lệ 100%, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Sau khi cung cấp điện cho những điểm thôn, làng cuối cùng của tỉnh, Công ty Điện lực Kon Tum đã yêu cầu điện lực các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nhân dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, có hiệu quả như: tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng luồng gió và ánh sáng tự nhiên, không bơm tưới trong giờ cao điểm.
“Đặc biệt, đơn vị cũng đã tổ chức cung cấp và lắp đặt miễn phí bóng đèn led tiết kiệm điện cho hàng trăm khách hàng tại các điểm thôn, làng mới được cấp điện, giúp bà con yên tâm trong việc sử dụng điện, phát triển kinh tế gia đình”, ông Hạnh cho biết thêm.
Dư Toán